- Đi đi! Đứng ám mãi ai mà bán được.
Tiếng cáu gắt làm Trinh giật mình ngoái nhìn lại.
- Đi đi! Đứng ám mãi ai mà bán được.
Tiếng cáu gắt làm Trinh giật mình ngoái nhìn lại.
Người đàn bà phốp pháp, mặt đậm phấn son đang chống nạnh, xua đuổi một em gái đang đứng nhìn dán mắt vào những nhành hoa vải đủ màu sắc trong quầy hàng. Người chủ sạp hàng chẳng lạ gì với Trinh ở cái chợ nhỏ nơi xã vùng cao này. Nhưng em gái?... Thùy! Học trò cũ của Trinh đây mà!
Trinh quay lại, tấp vào quầy hàng. Người chủ đon đả mời:
- Cô giáo! Cô mua gì? Đủ loại hàng phục vụ cho ngày nhà giáo. Rồi bà quay sang Thùy: Đi đi! Con nhà ai mà lỳ quá! Tiếp đó bà phân bua với Trinh: Cô xem! Nó có 2.000 đồng mà đòi mua hoa đẹp. Tôi thấy thương bán rẻ cho mấy nhành hoa xấu một chút, nó không chịu. Con nhà ai mà kỳ cục. Tặng rồi cũng vứt chớ ăn uống gì được đâu mà kén chọn.
Trinh nhìn học trò cũ. Thùy rời mắt khỏi những nhành hoa, vòng tay chào cô. Rồi Thùy nhìn tờ giấy bạc 2.000 đồng cuộn tròn trong tay mình, luyến tiếc nhìn những nhành hoa lần nữa rồi dợm bước…
Cử chỉ của Thùy trong thoáng chốc đã làm Trinh xúc động. Ánh mắt thèm thuồng, sự im lặng chịu đựng lời xua đuổi và phải chấp nhận rời xa ước muốn của Thùy gợi nhớ trong Trinh một thời chưa xa của tuổi học trò… Cũng những đồng tiền hiếm hoi từ việc mót lá chuối, tàu môn đem bán, cũng những bông hoa giả như có chứa mật ngọt quyến rũ những cô cậu học trò, niềm vui được tặng hoa cho thầy cô kèm những lời chúc bắt chước y hệt nhau nhưng xuất phát tự đáy lòng… Trinh giơ tay ngăn Thùy lại:
- Em đợi tí! Nghe cô bảo. Sao em không mua hoa xấu cho rẻ hơn?
Thùy ngước ánh mắt long lanh nhìn cô giáo, trả lời:
- Thưa cô, mẹ dạy khi tặng ai vật gì thì phải chọn vật xinh đẹp tươi tốt như lòng mình nên em không thể mua hoa xấu tặng thầy được ạ.
Câu nói của Thùy làm dậy lên trong Trinh niềm vui và tự hào về cô trò nhỏ trước người chủ quầy hàng. Trinh trìu mến hỏi Thùy:
- Em muốn mua hoa nào?
- Thưa cô, hoa này ạ.
Mua hoa xong, Trinh dắt Thùy ra chỗ gởi xe, nói:
- Cô tặng em hoa này để tặng thầy, còn hoa này cô tặng em vì em ngoan, biết thực hành lời mẹ dạy. Cô chúc em mãi ngoan, học giỏi.
Thùy ngần ngừ không dám nhận. Trinh trấn an:
- Cô biết em nghĩ gì rồi. Em sợ mẹ rầy khi chưa được phép của mẹ mà nhận quà của người khác phải không? Không sao! Cô giáo cũng như mẹ. Cô không dạy em làm điều xấu. Mẹ sẽ không rầy em đâu. Em cầm đi rồi lên xe cô chở về nhà.
Trên đường về, Trinh nhớ lại mục đích đến chợ sáng nay. Cô định đi chợ mua ít quà. Cô đã hẹn bạn sáng mai đi thăm thầy cũ. Thôi thì chở cô bé về rồi quay lại chợ vậy. Chiều nay phải ở nhà đón học trò đến thăm cô giáo.
* * *
Từng tốp học sinh đến thăm, tặng quà cô ở nhà riêng. Các cô cậu cứ đùn đẩy cho nhau lên trước gần cô giáo, cố tỏ ra chững chạc. Nhưng Trinh biết chỉ chốc lát nữa thôi, các cô cậu sẽ xả hết ga hò hét…
Thùy cũng đến, nhưng cô bé không mang theo hộp quà hay nhành hoa như các bạn mà chỉ cầm một quyển vở bao giấy báo láng, buộc bằng dây ruy băng thắt lại một chiếc nơ xinh xinh. Khi các bạn đã tặng quà, chúc cô giáo xong, Thùy đến trước cô, nâng quyển vở bằng hai tay, thưa:
- Thưa cô, hoa cô tặng em, em đã tặng mẹ em, ghi nhớ công ơn mẹ đã cầm tay tập em viết những chữ đầu tiên. Đây là quyển vở tập viết đẹp nhất của em mà nhờ cô rèn tập em đã đạt giải trong dịp thi viết chữ đẹp của học sinh tiểu học ở cấp huyện năm ngoái. Em tặng cô, thể hiện lòng ghi nhớ công ơn cô của em. Em chúc cô luôn mạnh khỏe, có được nhiều học trò ngoan.
Thật bất ngờ! Trinh xúc động đón nhận quà tặng của học trò cũ. Cả chục học sinh đang nói cười ồn ào bỗng im lặng trước lời nói và quà tặng của Thùy. Các em quá ngạc nhiên. Trinh nhận ra điều khác lạ ở thái độ và hiểu tâm trạng các em.
* * *
Cầm trên tay quyển vở làm quà của Thùy, Trinh miên man suy nghĩ. Mong muốn lớn nhất của người thầy còn gì hơn là sự thành đạt của học trò? Cô đã dạy các em lúc chiều như thế. Quà tặng của cô khi đến thăm thầy giáo cũ vào sáng mai sẽ là gì? Một ý tưởng lóe lên khiến Trinh như thấy được nụ cười mãn nguyện trên môi thầy.
. Truyện ngắn của Phụng Tú