Nhà không giàu, ăn lương tháng nuôi cả đàn con, không hiểu sao năm 1968, ba má tôi đã sắm được cái ti vi, gần như là nhà đầu tiên trong xóm có.
Nhà không giàu, ăn lương tháng nuôi cả đàn con, không hiểu sao năm 1968 ba má tôi đã sắm được cái ti vi, gần như là nhà đầu tiên trong xóm có. Nghĩ tưởng sang, chớ thiệt ra nhà chật hẹp khi đó đã có gì quý giá đâu, nhưng ba tôi vốn yêu thích tiếp cận công nghệ mới nên không ngần ngại sắm nó.
Cái ti vi đen trắng 16inch hiệu Sanyo Nhật Bản có 4 cái chân ngày đó chễm chệ trong phòng khách 9m2, mỗi lần tết nhất lễ lạc chụp hình là lại đứng tựa một bên vịn tay mặt mày rạng rỡ. Nhờ vậy mà lục hình cũ thấy nó làm sống lại cả một trời nhớ thương. Tối tối nó trở thành tâm điểm cho cả xóm kéo tới ngồi vây quanh. Trong phòng ưu tiên cho người trong gia đình, ngoài sân hàng xóm kê đòn xếp ghế xí chỗ, hai bên cửa sổ thì con nít bu, ai tới trễ phải đứng cả buổi. Cao điểm có lúc vài chục người xúm xít dán mắt vô cái màn hình bé xíu. Người ngồi sau không thấy rõ la í ới người trước xê ra. Người trễ giờ bèn bưng cả tô cơm nguội chạy tới. Nhiều bữa còn mất dép rớt tiền, chủ nhà phải thắp đèn ra soi kiếm phụ. Khách không mời còn chủ nhiều lúc không muốn coi nữa nhưng ti vi vẫn phải mở từ đầu buổi tới cuối buổi khuya lơ khuya lắc. Có bữa hết đài, màn hình ti vi chỉ còn hột mè sè sè, khách phải tới lay chủ dậy tắt máy đóng cửa.
Năm 1966, khi đài truyền hình Sài Gòn chính thức phát sóng thì Nha Trang vẫn chưa tiếp sóng được vì ở xa, kỹ thuật sơ khai khi ấy không đáp ứng được. Cố gắng xoay anten trời lắm lắm cũng chỉ thấy bóng người mờ mờ sau hột mưa xào xào. Người Mỹ ở Nha Trang thiết lập một đài phát riêng cho quân đội của họ đặt ở Hòn Tre trước, sau mới giúp đỡ tài lực cho địa phương lập đài phát đặt trong đất liền tại Bình Tân khoảng năm 1968. Nha Trang khi ấy chưa có chương trình riêng của mình mà chỉ phát lại nội dung ghi trên video tape nhận từ Sài Gòn, mãi tới năm 1973, 1974 mới có nhưng nghèo nàn và chỉ ở giai đoạn thử nghiệm. 2 nữ xướng ngôn viên xinh đẹp đầu tiên của đài Nha Trang khi ấy là Tường Hạnh và Kiều Nhị, được hâm mộ không thua siêu sao.
Tôi nhớ ngày ấy mở ti vi là coi được hai đài, đài Mỹ trên băng tần số 11 và đài Việt Nam trên băng tầng 9, mỗi lần chuyển kênh là xoay núm cạch cạch. Điện thì yếu, mỗi ti vi phải có cái survolteur riêng bên cạnh. Phim truyền hình Mỹ cực hấp dẫn dù không lồng tiếng phụ đề gì cả. Vậy mà coi say mê những bộ phim dài tập, nhớ quãng 5 giờ chiều tan học ở trường tiểu học là chạy nhanh về nhà để kịp coi Batman, giấc 7, 8 giờ là phim Lạc vào không gian với Lỗ Tai Lừa, khuya lại có Cao bồi Wild Wild West... Hôm nào có ba tôi coi chung là cả khán phòng nín thở chờ ba thuyết minh giải thích những chỗ quan trọng, rồi xúm nhau ồ à bàn tán xôn xao.
Dĩ nhiên những vở kịch, cải lương, phim Việt Nam phát theo khung giờ nhất định hàng tuần vẫn hấp dẫn nhứt, khóc cười tập thể vui dễ sợ. Tôi nhớ kịch Kim Cương, Túy Hồng, La Thoại Tân, Tú Trinh..., nhớ cải lương Thanh Nga, Bạch Tuyết, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, nhớ tân nhạc Thái Thanh, Thanh Thúy, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền... Hồi còn bé mà cứ coi phim tuồng xong là thao thức mất ngủ theo số phận nhân vật, từng khóc cả đêm vì thương cô gái mù do Thanh Nga thủ diễn trong vở Tiếng hạc trong trăng, nhớ cảnh nàng lọ mọ ngồi nhầm lên chiếc mũ nan rộng vành như cái lồng bàn của hiệp khách...
Tội nghiệp cái ti vi thần thánh này, không có duyên ở lại nhà tôi quá lâu. Một vụ mất trộm táo bạo xảy ra, nó biến mất cùng cái survolteur bên cạnh cho đủ cặp. Điều tra bỏ túi cho thấy, kẻ gian đã đột nhập cửa sau khi mọi người mải mê coi ti vi và nấp sẵn đâu đó trong nhà, đợi ai nấy say giấc hết rồi mở cửa chính đường hoàng bưng nguyên bộ tẩu thoát. Nghĩ cảnh ăn trộm hì hục bưng vác thấy cũng vất vả dữ lắm.
Rạp hát nhà tôi gián đoạn mất một thời gian, sau ba má cũng phải bấm bụng sắm lại ti vi khác, mà loại gì không thấy chụp hình chung nên quên mất.
Những cái ti vi trắng đen giờ vỡ vụn nơi nào hay vẫn còn trưng bày đâu đó như khắc họa một đoạn đời ta đã qua?
ÁI DUY