Chiều hôm đó, ông coi bộ phim Ván bài lật ngửa chiếu trên truyền hình, đang coi dở thì đến giờ tới bệnh viện lấy thuốc. Ông đành tắt tivi mà tiếc. Phim này hồi xưa ông thích lắm. Mà năm nào cứ đến những ngày lễ như thế này, truyền hình cũng hay chiếu lại, ông coi hoài vẫn thấy hay, thấy thích.
Chiều hôm đó, ông coi bộ phim Ván bài lật ngửa chiếu trên truyền hình, đang coi dở thì đến giờ tới bệnh viện lấy thuốc. Ông đành tắt tivi mà tiếc. Phim này hồi xưa ông thích lắm. Mà năm nào cứ đến những ngày lễ như thế này, truyền hình cũng hay chiếu lại, ông coi hoài vẫn thấy hay, thấy thích.
Ông đâu biết mấy đứa con mới lắp đặt wifi, tivi nhà mình có kết nối Internet. Đứa cháu nội mới học lớp 3 đã rành rọt với cái remote ghê, bày cho ông bấm này bấm nọ. Thế là ông cứ loanh quanh với cái tivi mỗi ngày. Ừ thì trên Youtube đấy, ông muốn coi phim xửa xưa hay thời chiến gì chẳng được, bắt đầu từ tập phim Ván bài lật ngửa chiều nào đang coi dở thì phải đi lấy thuốc. Bữa khác ông mở coi lại những bộ phim thời chiến tranh: Con chim vành khuyên, Chiến trường chia nửa vầng trăng, Biệt động Sài Gòn, Bí mật thành phố cấm…, remote dừng hay tua đi tua lại chỗ nào mình muốn. Coi rồi hào hứng kể cho cháu nội nghe. Rằng hồi xưa, hồi chiến tranh ấy... Có bữa, ông nằm trên chiếc ghế xếp, nhắm mắt lắng nghe những bản tình ca xưa, những trích đoạn chèo... Ông nghĩ gì, nhớ gì có lẽ mình ông biết.
Có hôm, nhìn tờ lịch trên tường, ông chợt nói rằng ngày này cách đây 54 năm, nhà ở cách mấy cây số mà ông vẫn nghe thấy tiếng máy bay địch quần thảo ở đằng xa. Rồi ở làng mình lúc đó, địch cũng thả bom ở cây cầu gần đấy, có mấy nhà trong xóm bị trúng bom, trong đó có đứa bạn ông. Nhắc tới chuyện này, ông lại nhớ sang chuyện khác. Như trong vườn nhà mình có cái hầm trú, giờ chắc đâu đó ở gần giếng nước. Mà hồi đó, nhà nào chẳng đào hầm trong nhà hay trong vườn. Có hôm, từ nông trường về, thấy cả xóm vắng tanh không một bóng người, sau ông mới biết mọi người đi sơ tán cả. Từ hồi nhỏ, khi ông mới 10 tháng tuổi đã nằm trong quang gánh theo mẹ sơ tán. Kể chuyện này, ông lại tủm tỉm cười. Bởi cũng nhờ đi sơ tán mà ông bà ngoại mới nên duyên. Chả là bà ngoại sơ tán đến nhà ông ngoại. Các cụ thấy bà nết na hiền dịu nên hỏi luôn vợ cho con…
Hôm khác nữa ông dạo biển, về bảo hồi đó, chỗ này là nơi năm xưa trung đoàn lính thủy đánh bộ của ông đóng quân. Hồi xưa chỗ này toàn hàng rào kẽm gai, nay thành nơi thơ mộng rồi, bình yên với biển xanh sóng vỗ. Ông mân mê bàn tay trái bị mất 4 ngón mà nhớ cái năm ở chiến trường K. Hôm đó, ông cùng một đồng đội đi trinh sát thì bị địch phục kích. Ông nấp sau một cây to bắn trả, bị làn đạn của địch sượt qua tay mất luôn 4 ngón và một mảnh vào đầu. Sau lần bị thương ấy, ông được rút về căn cứ…
Có những chuyện ông bây giờ mới kể, cũng có chuyện ông kể đi kể lại hoài. Kể mà như nói với mình. Những ký ức vốn nhẵn trong ông.
Nghe ông nói, ông kể, lại nhớ đến một cựu binh tôi biết mỗi lần lên facebook chẳng gì khác là những khoảnh khắc mình đi tìm đồng đội, về thăm đồng đội giữa rừng già.
Ký ức của người già, lại là những người đi qua chiến tranh, trong cái chợt nhớ chợt quên, chạm vào cái mông lung của người trẻ. Rằng, những cái nhớ bất chợt ấy còn được bao lần, để mình còn được ngồi nghe kể chuyện xưa, câu chuyện đi qua những đời người.
G.C