07:03, 16/03/2019

Hạnh phúc sau cùng

Tình cờ, tôi gặp lại chồng của một bệnh nhân tâm thần mà tôi đã khám từ 2 năm trước. Sở dĩ tôi còn nhớ anh vì đây là một trường hợp khá đặc biệt…
 

Tình cờ, tôi gặp lại chồng của một bệnh nhân tâm thần mà tôi đã khám từ 2 năm trước. Sở dĩ tôi còn nhớ anh vì đây là một trường hợp khá đặc biệt…

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
 
Hôm ấy, chúng tôi tiếp nhận một bệnh nhân mới. Đó là một phụ nữ xanh xao, gầy gò với đôi mắt đờ đẫn vô hồn. Vẻ tiều tụy khiến chị già hơn nhiều so với tuổi ghi trong bệnh án. Chị ôm một con búp bê vải trên tay. Lướt nhanh trên mặt tôi một cách thờ ơ rồi chị cúi xuống, đu đưa con búp bê, khe khẽ ru: “À ơi! Con ơi con ngủ cho ngoan…”. 
 
Chắc là một người mẹ bị mất con nên phát điên. Tội nghiệp! Tôi quay sang hỏi chuyện người đàn ông đi cùng, chồng chị. Anh kể… 
 
Chị vốn là một bác sĩ. Khi vừa tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, chị viết đơn tình nguyện vào chiến trường. Vào đến Khu V, chị được điều động về phụ trách bệnh xá một huyện miền núi. Bằng vốn kiến thức đã học, bằng trái tim rực lửa và nghị lực kiên cường của tuổi 20, chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao suốt nhiều năm liền. 
 
Cũng tại nơi này, chị gặp anh, một người lính trẻ, khi đó là một thương binh nặng. Khi đưa anh đến, không ai tin rằng anh sẽ qua khỏi bởi vết thương quá nặng. Nhưng chị đã dành mọi tâm huyết của người thầy thuốc để đưa anh về với cuộc sống. Khi anh trở lại đơn vị, một tình yêu đẹp đã xuất hiện giữa họ. 
 
Sau lần đó, anh tranh thủ những giây phút ngắn ngủi yên tĩnh giữa hai trận đánh, băng rừng đến thăm chị. Họ gặp nhau, vội vã, đôi khi chỉ kịp nhìn nhau trong khoảnh khắc rồi chia tay. Chỉ vậy thôi nhưng tình yêu vẫn rực cháy trong trái tim mỗi người. Một năm sau, trước khi bước vào một chiến dịch lớn, đơn vị hai bên tổ chức đám cưới cho anh chị. Sống với nhau được hai ngày, anh phải chia tay chị để trở về đơn vị. Mãi đến sau ngày giải phóng, họ mới gặp lại nhau. Lúc này, chị làm việc ở một bệnh viện ở thành phố. Còn anh, vẫn theo nghiệp quân ngũ. 
 
Ba tháng sau ngày đoàn tụ, chị báo tin cho anh với ánh mắt rạng ngời: “Chúng mình sắp có con anh ạ!”. Không thể diễn tả bằng lời niềm hạnh phúc của anh khi đó. 
 
Cái thai hành chị đến khổ sở. Nhìn vợ như vậy, anh chỉ biết động viên: “Em chịu khó ăn, cả cho con nữa mà”. Đưa tay vuốt bụng vợ, anh dịu dàng: “Con của ba, thương mẹ mà cố ăn nhé. Ba là bộ đội, cả đời cầm súng chứ có vào bếp bao giờ đâu?”. Chị liếc yêu chồng, tủm tỉm cười: “Con biết mà. Không sao đâu”. 
 
Những buổi tối, anh cùng chị ngắm không biết chán những món đồ sơ sinh cùng những thứ đồ chơi đủ màu. Anh không biết con mình là trai hay gái nên mua cả búp bê và xe ô tô. 
 
Ngày chị sinh, cùng với những người chồng, người cha khác, anh vừa hồi hộp vừa nhấp nhỏm đứng chờ. Anh cũng nhăn nhó theo từng tiếng kêu la của sản phụ, cũng mỉm cười rạng rỡ khi nghe tiếng khóc oe oe chào đời của những đứa trẻ. 
Vậy mà, anh đã không thể hạnh phúc như họ. Đứa bé chị sinh ra là bé gái. Nhưng đó một hình hài dị dạng. Nó chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã ra đi. Chứng kiến cảnh ấy, chị kêu lên một tiếng rồi ngất xỉu. Là bác sĩ, chị biết rõ, đó là hậu quả của chất độc màu da cam do địch rải đầy vùng đất nơi bệnh xá của chị đóng chốt…
 
Hôm sau, vừa tỉnh lại trên giường bệnh, chị hốt hoảng nhìn sau trước, đưa tay quơ quào xung quanh, miệng lẩm bẩm: “Con đâu, con tôi đâu rồi?”. Anh quàng tay ôm vai chị. Chị vùng ra, giận dữ: “Anh là ai? Anh đem con tôi đi đâu? Trả con cho tôi!”. Anh vẫn giữ chặt chị: “Bình tĩnh đi em, từ từ rồi anh sẽ tìm con cho em”. Nghe anh nói thế, gương mặt chị giãn ra, ánh nhìn dịu lại. Rồi cả người chị xoãi ra trong tay anh, rã rượi… Bác sĩ nhìn chị, lắc đầu: “Chị ấy bị một cú sốc lớn quá”. 
 
Theo lời khuyên của bác sĩ, anh mua cho chị một con búp bê vải mặc áo đầm màu xanh, màu ưa thích của chị. Ánh mắt chị sáng rực khi đưa hai tay đỡ con búp bê: “Con tôi đây rồi. Con gái yêu quý của mẹ đây rồi”… Anh đứng lặng bên cánh cửa, nhìn chị đau xót và bất lực. Từ đó, không lúc nào chị rời khỏi con búp bê.  
 
Anh đưa chị về nhà, hy vọng những cảnh vật quen thuộc sẽ giúp chị khôi phục trí nhớ. Song, bệnh tình của chị không giảm, dù hàng tháng anh vẫn đều đặn đến bệnh viện lấy thuốc cho vợ. Càng ngày chị càng chìm sâu vào câm lặng.
 
Tôi hỏi thăm anh về tình trạng của vợ, sợ phải nghe những điều không vui. Song, trái với điều tôi e ngại, anh bảo: “Cô ấy khỏi hoàn toàn rồi anh ạ!”. Tôi ngạc nhiên: “Thật sao? Bằng cách nào vậy?”. Anh hồ hởi kể, lần đó anh đưa chị tới một ngôi chùa ở ngoại ô Nha Trang, nơi nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em bị bỏ rơi, cơ nhỡ. Ánh mắt đang thờ ơ của chị bỗng sáng rực lên khi thấy ni cô đang cho một bé sơ sinh bú bình. Chị vứt con búp bê vải, lao tới giành cô bé từ tay ni cô, cười hớn hở: “Con đây rồi. Con gái yêu của mẹ đây rồi!”. Anh trào nước mắt khi nghe những tiếng nói đầu tiên của vợ sau 2 năm câm lặng.
 
- Nhưng liệu chị ấy có biết sự thật…
 
Anh gật gật đầu: “Cô ấy đã hoàn toàn khỏe mạnh nên biết chứ. Chúng tôi đặt tên con là Hạnh Phúc”. 
 
Một nụ cười rạng rỡ làm khuôn mặt đen sạm của anh bừng sáng…   
 
T.T.G.T