- Cô Tâm…!
Tiếng gọi đột ngột của ai đó làm bà Tâm giật mình, ngước lên nhìn. Trước mặt bà là một anh thanh niên hơn 30 tuổi, nước da rám đen, khuôn mặt có vài vết sẹo nhỏ. Cả người anh run run hình như đang xúc động lắm.
- Cô Tâm…!
Tiếng gọi đột ngột của ai đó làm bà Tâm giật mình, ngước lên nhìn. Trước mặt bà là một anh thanh niên hơn 30 tuổi, nước da rám đen, khuôn mặt có vài vết sẹo nhỏ. Cả người anh run run hình như đang xúc động lắm.
- Cậu hỏi tui hả?
- Dạ. Con là thằng Lang đây cô. Chắc cô quên con rồi… - người thanh niên vừa cười vừa nói nhỏ.
Bà Tâm sững người. Bà cứ nghĩ thằng bé Lang năm nào đã chết trong những ngày ly hương phiêu dạt. Ai ngờ, nó về, và đứng trước mặt bà. Nhưng năm tháng qua đi, nó khác quá so với hồi nhỏ.
Xếp vội cái ghế bên bàn bán thịt của mình giữa chợ, bà Tâm kéo Lang ngồi xuống, rồi bảo:
- Cũng hơn 20 năm rồi phải không con? Cô mừng quá. Mấy chục năm nay con sống ở đâu, làm ăn ra sao, nói cho cô nghe với…
Câu chuyện giữa hai cô cháu chưa bắt đầu, thì trong tâm trí của bà Tâm đã lờ mờ hiện ra hình ảnh thằng bé Lang của hơn 20 trước. Lúc ấy, cả xóm ai cũng nghèo hết. Nhà bà và nhà của ba mẹ Lang cũng vậy. Vợ chồng bà lúc ấy mới có con trai đầu học mẫu giáo, nhà cũng làm ruộng thôi. Thằng bé Lang chắc hồi đó tuổi cũng ngang ngang với con bà. Nhưng chưa kịp hiểu được sự đời, nó đã rơi vào cảnh tréo ngoe của số phận.
Ba thằng Lang lúc ấy suốt ngày rượu chè bê tha, đánh đập và đuổi mẹ nó đi khỏi nhà, khi nó mới tầm 5, 6 tuổi. Rồi ông đưa một người phụ nữ khác về ở trong nhà. Dì ghẻ con chồng, những mâu thuẫn xảy ra và giáng xuống đầu nó. Thằng bé không được ai chăm sóc, phải đi lang thang đầu làng cuối xóm ngày cũng như đêm, mùa nắng cũng như mùa mưa. Đói quá, thấy nhà nào có trái dưa, trái bí là Lang đánh liều chạy vào hái, ăn sống cho qua bữa. Có nhà thương tình cho ít cơm nguội; có nhà ghét thì đuổi đi. Thật ra, người ta cũng không đến nỗi vô cảm đâu, nhưng cái thời mà ngay con cái họ còn không có đủ cái ăn qua cơn đói, thì làm sao họ dám đem cơm cho một đứa trẻ lang thang ăn…
Lần đầu tiên bà Tâm gặp nó đánh liều trèo lên cây ổi nhà bà mà không xin. Cái dáng người nhỏ xíu, ốm teo đu trên nhánh ổi làm bà thấy thương và xót quá. Chờ cho Lang hái ăn xong, tụt xuống, bà mới gọi rồi dắt vào nhà, bới một tô cơm to, chan một ít mắm cái và bỏ mớ rau luộc vào, nhẹ nhàng bảo nó ăn hết. Thằng bé lúc ấy rơm rơm ngước lên nhìn bà, rồi nhanh chóng và bát cơm vào miệng.
Những ngày sau, biết bà Tâm có lòng thương, lúc buồn hay đói bụng quá, Lang thường đi ngang qua ngang lại trước nhà bà, chờ bà gọi. Và bà gọi thật. Dần dần thành quen. Rồi bà đem chuyện kể với chồng mình. Hai vợ chồng xem nó như con vậy. Có những lần nhiều ngày Lang không được tắm, vợ chồng bà gọi sang, nấu nước tắm cho, hớt tóc rồi lấy quần áo của con trai ông bà mặc cho. Có nhiều đêm mùa đông lạnh, bị cha và mẹ kế đuổi không cho ngủ trong nhà, Lang phải chui vào đống rơm hàng xóm cạnh bụi tre làng ngủ. Vợ chồng bà đi tìm Lang về, cho nó ngủ ở phòng ông bà…
Một ngày nọ, mẹ ruột của Lang về thăm quê, rồi vội vã ra đi lại. Thằng bé chạy theo mẹ nhưng không kịp. Người ta chỉ kịp nhìn thấy nó trèo lên một chiếc xe khách. 20 năm đằng đẵng trôi, rồi trong xóm dần quên đi nó…
Dòng suy nghĩ của bà Tâm bị đứt đoạn khi Lang mở đầu câu chuyện:
- Cô chú lâu nay có khỏe không? Con quên mất nhà cô, chỉ nhớ tên cô. Về đây hỏi, người ta nói cô bán thịt bò ở chợ nên con đi thẳng vào tìm… Con mang ơn cô nhiều lắm… Còn chuyện phiêu dạt của con mấy mươi năm qua, dài lắm cô ơi…
Lang bắt đầu nhớ lại quãng đời đầy chông gai của mình. Ngày ấy, chưa được 10 tuổi, Lang chạy theo mẹ để mong được mẹ mang đi cùng, chứ ở nhà sống với ba và mẹ kế khổ quá. Thấy mẹ vừa lên chiếc xe khách, không đuổi kịp, cậu bé liền nhảy lên chiếc phía sau, cứ nghĩ sẽ đuổi theo được xe có mẹ mình… Nhưng sự đời đâu có dễ như ý nghĩ của một đứa bé, hai xe không đến cùng một điểm. Nhưng người lái xe khách cũng thương tình, cho cậu bé đi đến cuối bến. Sài Gòn chào đón cậu trong sự lẻ loi và cái đói…
Một thân một mình không gia đình, không bè bạn, không người cưu mang, Lang vật vờ lang thang các chợ gần bến xe xin khuân vác, nhưng nhìn cái thân thể gầy gò ốm yếu ấy, ai cũng lắc đầu. Vậy là cậu chuyển qua xin từng đồng lẻ, từng miếng cơm thừa để mong qua cơn đói. Những bữa ăn qua quýt với cơn đói triền miên vây lấy Lang. Đành liều, cậu bé phải ăn cắp thức ăn. Nhưng chỉ vừa động vào đồ ăn của người ta và bỏ chạy, Lang đã bị những trận đòn nhừ tử… Không biết bao nhiêu trận đòn như vậy đã đi qua cùng cậu những ngày mới lạ ở vùng đất cũng rất lạ. Rồi, người ta bắt cậu, đưa vào trại giáo dưỡng.
Vào đây, ai buồn chứ Lang lại mừng, vì có cái ăn, cái mặc mà không bị ai đánh đuổi. Lang lại chịu khó lao động, phụ với những cô chú quản lý những việc trong trại, nên dần dần mọi người cũng quý, gần gũi với cậu bé. Thấm thoát rồi cũng đủ 18 tuổi, Lang được ban quản lý trại giáo dưỡng cho đi học nghề, rồi cho ra đời mưu sinh tự sống. Với nghề thợ xây học được, cậu bước vào đời hơi chật vật, nhưng vui với những đồng tiền chân chính mình làm ra, bỏ lại phía sau những ngày tháng đắng cay, tủi cực…
Sống nơi xứ lạ quê người, dù đã bước đầu ổn định công việc, không còn lo thiếu ăn mặc rách nữa, nhưng trong lòng Lang vẫn nghĩ về vùng quê nhà mà cậu nương tựa khi còn bé thơ, đến ngôi nhà nhỏ, và đến người cô hàng xóm tên Tâm đã cưu mang cậu rất nhiều lúc đói rét. Thông tin duy nhất mà cậu nhớ được là nhà mình ở gần một con sông, có cái cầu tên là Bà Rén. Ban ngày đến công trường, cậu tranh thủ hỏi mọi người xem có biết tỉnh nào có con sông như vậy không. Tối về phòng trọ, Lang lại mở cái radio nhỏ của mình, nằm nghe thời sự, để mong có một thông tin trên đài nhắc đến hai chữ Bà Rén… Nhiều năm trôi đi như vậy.
Cho đến một ngày gần đây, điều may mắn đã đến với cậu khi người bạn thợ cùng làm cũng đến từ tỉnh quê nhà tìm được số của chính quyền xã nơi cậu sống lúc nhỏ. Lang gọi điện liên lạc, chính quyền hỗ trợ rất kỹ, chỉ dẫn đường về quê. Thế là không suy nghĩ nhiều, cậu tạm gác công việc, trả nhà trọ, ra bến xe về quê, cho thỏa nỗi nhớ của một người tha hương lâu ngày…
Bà Tâm vừa lắng nghe vừa rưng rưng khóc. Bà không thể nghĩ rằng Lang lại trải qua những ngày cơ cực đến vậy. Nhưng bà cũng mừng lắm, vì cậu bé ngày xưa đã tìm được đường về nhà, về quê. Bởi quê nhà lúc nào cũng bao dung và đầy yêu thương.
- Nè con, vậy giờ con về chơi ít bữa rồi vào lại, hay ở nhà kiếm việc chi làm, ở với ba?
Lang trầm ngâm rồi trả lời:
- Dạ, con về tới nhà thì ba con cũng vừa đau nặng. Bà vợ bé cũng bỏ ông ấy đi lâu lắm rồi. Giờ ông nằm bệnh viện mà không có ai chăm sóc cả. Dù sao ông cũng là ba con. Con sẽ ở lại lo cho ba trong lúc ốm đau này đã cô. Ba con khỏi bệnh, con mới tính tiếp.
Bà Tâm thở phào, tự dưng ôm lấy Lang, trong mừng rỡ. Bà không ngờ tâm thằng bé mà bà cưu mang ngày xưa lại tốt vậy. Người cha cay nghiệt, vô trách nhiệm ngày xưa, gián tiếp đẩy cậu bé vào cảnh ly hương từ rất nhỏ, chịu bao nhiêu tủi cực, nhưng khi tìm được đường về quê, Lang lại quan tâm đầu tiên đến sức khỏe cha mình, khi không còn ai bên cạnh ông. Lòng hiếu thuận ấy đáng quý biết bao, đó cũng là biểu hiện sự trưởng thành của một con người. Bà Tâm thấy công sức hai vợ chồng mình cưu mang, dạy dỗ đứa bé ngày xưa hoàn toàn không vô ích…
Câu chuyện tạm dừng khi Lang nói phải mua ít đồ ăn về nấu mang ra bệnh viện cho ba cậu. Bà Tâm cắt miếng thịt bò lớn, bỏ bao, đưa cho Lang, bảo đem về nấu cháo cho ba. Lang cúi gập người, nhỏ nhẹ nói lời cảm ơn, như đứa bé 5, 6 tuổi ngày xưa…
Nhìn bóng Lang khuất dần sau những quầy hàng trong chợ, bà Tâm lại thấy lòng rộn vui… Tự dưng bà lại nghĩ đến việc sẽ tìm cho Lang một người vợ và một công việc ngay ở mảnh đất quê hương này. Vì từ lâu, bà đã coi nó như con trai của mình…
. Truyện ngắn của Nguyễn Thành Giang