"Tút... tút... tút", những âm thanh rời rạc ấy đã tắt lịm rồi mà ông Tân vẫn thẫn thờ như chưa tỉnh lại. Mãi khi con cún con kéo vào gấu quần pyjama, ông mới thoát khỏi trạng thái đó. Ông bước lại bên bể nước, múc một gáo và dội lên đầu.
“Tút... tút... tút”, những âm thanh rời rạc ấy đã tắt lịm rồi mà ông Tân vẫn thẫn thờ như chưa tỉnh lại. Mãi khi con cún con kéo vào gấu quần pyjama, ông mới thoát khỏi trạng thái đó. Ông bước lại bên bể nước, múc một gáo và dội lên đầu. Nước mát lạnh làm da mặt ông tê tê rần rần. Rồi ông lấy tay vuốt tóc và đi vào nhà. Chiếc bàn trà vàng rực ánh nắng cuối ngày cùng tập giấy và cây bút đang đợi chờ, ông cố tập trung vào công việc mà không được, cứ thấy khuôn mặt, tiếng cười của người ấy cứ hiển hiện trước mắt.
Sau mấy năm nằm liệt do tai nạn giao thông, dù được chăm sóc chu đáo, nhưng rồi người bạn đời của ông cũng vẫn ra đi. Thời gian đầu, mấy đứa con thay nhau đưa con cái về ở với cha trong những ngày nghỉ cuối tuần. Sau rồi, công việc cuốn đi, vả lại thấy cha có vẻ quay lại nếp sống thường ngày nên chúng ít về hơn. Ngay cả An, con trai đầu, sau một vòng đi giới thiệu sản phẩm của công ty với đối tác nước ngoài, anh mới chạy về thăm cha được. Mới có sáu tháng anh không gặp cha, trông ông có phần gầy hơn, tấm lưng còng xuống. Sau bữa cơm chiều, hai cha con ngồi uống nước dưới giàn thiên lý đang trổ hoa. Hương thơm ngọt ngào, chốc chốc làn gió thổi từ bên kia đường khiến những ngọn non dập dờn như mái tóc của thiếu nữ buông lơi.
Ông Tân nhấc ly trà lên rồi lại đặt xuống mấy lần. Ông hắng giọng rồi xoay xoay chiếc ly trong tay. An thấy lạ. Có bao giờ cha anh khác lạ như vậy đâu. Anh khẽ hỏi:
- Hình như bố có chuyện gì muốn nói với con?
Ông Tân ngẩng lên nhìn An và khẽ cười. Nụ cười ngượng nghịu. Ông lại hắng giọng rồi đận đà:
- Bố có chuyện này muốn nói với con.
Ông ngừng lời và lại uống nước. Có chuyện gì mà cha anh có vẻ khó nói thế nhỉ? Có bao giờ ông cụ như vậy đâu.
- Bố nói đi, con đang nghe đây.
- Ừ, bố nói. Ông Tân nói và vừa nhìn bâng quơ đôi ngọn thiên lý ngoài sân rồi khẽ khàng: Bố... bố muốn kiếm người về ở cùng…
An nhìn cha, cố kìm một hơi thở đang rộn lên trong lồng ngực.
- Các con đi suốt, bố lại hay đau yếu, nên bố muốn có người bầu bạn lúc trái gió trở trời.
- Vâng, vậy bố đã nhắm được ai chưa? An vừa hỏi vừa hơi cười cười. Mấy anh em vẫn thấy bố quanh quẩn ở nhà, chả đi xa bao giờ nên chắc ông nói vậy chứ chắc gì đã có ai.
- Có, bố tìm được rồi đấy. Ông nhìn con, và trong mắt lấp lánh một ánh nhìn trẻ trung: Cô Xoan làng Nội.
- Cô Xoan? An buột miệng rồi vội chữa ngay khi gặp ánh mắt dò hỏi của cha - Bố, bố có nhầm không?
- Không, dạo trước bố không để ý, mãi đến hôm đình làng làm lễ đầu năm, cô ấy nói chuyện thật vui, lại còn khen bố lịch lãm. Ông Tân hể hả cười. Nụ cười làm mờ vết hằn bên khóe miệng và mắt ông lấp lánh niềm vui.
- Ối trời ơi! An thở hắt ra. Cô ấy khen xã giao mà bố cũng tin ư? Anh định nói câu ấy, nhưng rồi nhìn vẻ mặt của bố, anh lại không nỡ.
- Vậy sau đó như thế nào nữa, bố? An hỏi.
- Thế nào là thế nào? Ông Tân ngơ ngác, hỏi lại.
- Thì gặp nhau, nói chuyện, bày tỏ tình cảm, rồi bàn tính chuyện về với nhau như thế nào ấy. Chuyện đó là bình thường mà bố.
- Ờ… ờ… Ông Tân hơi lúng túng. Bố và cô ấy chưa nói đến đoạn đó. Bố tính, nếu các con đồng ý thì cha con mình đem khay trầu rượu sang nhà nói chuyện rồi rước cô ấy về. Bố chưa dám gặp cô ấy…
- Chúng con không phản đối nhưng chuyện này cần thêm thời gian bố ạ. Không đơn giản như thời bố với mẹ ngày trước đâu, bố.
Xoan là người xóm trên, chị có dáng người thấp đậm, làn da nâu khỏe khoắn và hơn An vài tuổi. Chị vẫn ở một mình sau khi người chồng đi sang Nhật lao động xuất khẩu và lấy luôn vợ bên đó không về. Xoan hay cười hay nói, nhanh giận mà cũng nhanh lành. Cũng may chứ nếu không chắc chị chỉ buồn với sầu khi đi về một mình trong căn nhà nhỏ cuối xóm. Cánh đàn ông trong xóm trong những lúc trà dư tửu hậu vẫn hay gán ghép và trêu chị là “lãng phí tài nguyên”. Cánh phụ nữ bên cạnh một số người thông cảm thì cũng có người luôn nhìn chị như một mối nguy tiềm ẩn, cứ như chị sẽ quyến rũ chồng mình bất cứ lúc nào. Dù cùng xóm nhưng ông Tân ít đi ra bên ngoài nên những câu chuyện bù khú của mấy ông bợm nhậu hay của cánh phụ nữ hầu như ông không nghe tới. Chỉ đôi lần, họp khu phố thì ông mới chạm mặt Xoan. Chị bao giờ cũng đến đúng giờ, ngồi trong góc phòng và luôn nhỏ nhẹ lịch sự khi nói chuyện với những phụ nữ khác. Hôm rồi, đình làng mở hội. Lúc làm lễ, vô tình mà ông và Xoan đứng hai bên hàng đối diện nhau để đón vị chủ tế. Nhìn ông chỉnh tề trong bộ vest đen, chị không giấu vẻ thán phục. Lúc làm lễ xong, chị thốt lên: “Nhìn ông lịch lãm quá”. Rồi chị và mấy người bạn cùng khúc khích cười. Lúc đầu ông thấy ngượng ngượng. Đã mấy năm chăm sóc người bạn đời bị tai nạn, lần đầu tiên có người phụ nữ khen ông, mà lại là khen công khai trước bao người. Thấy vui vui, ông ngỡ ngàng nhìn Xoan, một lần, hai lần và rồi bâng khuâng mãi bởi ánh nhìn trẻ trung, giọng điệu sôi nổi của chị. Và vu vơ trong ông một niềm tơ tưởng. Ra vào trong căn nhà vắng, ông hình dung tất cả sẽ sáng bừng lên, rộn rã lên nếu có bóng dáng đậm đà cùng tiếng cười của Xoan. Đắn đo mãi, rồi ông mới dám gọi điện và ướm thử ý của chị. Đáp lại câu hỏi: “Em nghĩ về tôi thế nào? Liệu có thể cho tôi một cơ hội không?”, chị im lặng rồi ngập ngừng. Sự ngập ngừng ấy ông cảm nhận được qua sự im lặng giữa câu chữ rời rạc và tiếng ho khẽ.
- Em cứ nói đi. Anh chịu được mà.
- Vâng, em nói... Em nói ạ. Có tiếng Xoan thở mạnh. Hình như chị đang lấy quyết tâm. Em rất ngưỡng mộ chú… à anh…
- Chỉ vậy thôi ư? Câu ấy bật ra vô thức trên môi ông. Thế em khen tôi là giả à?
- Ô, không, không ạ. Khi đó em khen anh rất thật lòng, nhưng còn chuyện kia thì… Chị nói nhanh: Em có bạn rồi… Và chị trầm giọng xuống: Em xin lỗi ạ.
- Không, không sao đâu em. Cảm ơn em đã nói thật nhé.
… Em đã có người khác. Em từ chối mình. Có lẽ thời nay không còn chuyện chắp nối như thời trước. Thời mà rổ rá cặp lại đơn giản là tìm người bạn già về góp gạo thổi cơm chung, là sớm hôm hủ hỉ cùng nhau. Sao mình lại u mê không nghĩ ra thế nhỉ? Đầu ông ong ong những câu hỏi ấy. Ừ, cũng phải. Cô ấy mới chừng ngoài bốn mươi một chút, đang độ mặn mà, đằm thắm. Mình nhìn còn thuận mắt huống chi người khác. Bất giác ông thở dài. Thôi thì cứ coi như một lần dũng cảm, một lần thử thách để vượt qua mặc cảm tuổi tác vậy. Ông nghĩ vậy và chìm vào giấc ngủ ngắn ngủi của tuổi bảy mươi.
Chi huýt... Chi huýt... Chi huýt. Tiếng chim hót rộn ràng bên cửa sổ làm ông thức giấc. Ông khẽ trở mình và từ từ ngồi dậy, từ từ lùa chân vào đôi dép xốp trên nền nhà, chống tay và hơi ngả người ra sau. Mắt khép hờ và hơi thở nhẹ, ông giữ nguyên trạng thái đó trong vài phút.
Thôi thì đành vậy. Ông nghĩ thế rồi đứng dậy, khoan thai bước những bước nhẹ nhàng êm ái và khẽ khàng mở cửa. Có con chim gì nhỏ như chim ri, lông cánh xanh biếc đang đậu trên cành hồng tỷ muội chi chít những bông hàm tiếu nhỏ xinh. Ông nheo mắt nhìn con đường ngập nắng chạy qua trước cửa, lòng thoáng bâng khuâng như nghe thoảng bên tai tiếng cười khúc khích của Xoan.
Chi huýt... Chi huýt... Chi huýt. Tiếng con chim vẫn còn rơi lại trước khi nó vụt bay đi, đôi cánh nhỏ lấp lóa ánh nắng vàng ngời ngợi cứ vẫy vẫy như bàn tay nhỏ đang múa giữa tầng không.
. Truyện ngắn của Bích Thiêm