Viết về cái sự ăn ở xứ Trầm Hương, người ta dễ bắt gặp những điều quen thuộc. Cũng Cửa Bé rồi lại Bình Ba. Cũng những món ăn, phong vị ấy. Quen thuộc đấy nhưng cũng khác biệt đấy.
Viết về cái sự ăn ở xứ Trầm Hương, người ta dễ bắt gặp những điều quen thuộc. Cũng Cửa Bé rồi lại Bình Ba. Cũng những món ăn, phong vị ấy. Quen thuộc đấy nhưng cũng khác biệt đấy. Khác ở những vị nêm mặn nhạt, thêm bớt gia vị; khác ở những cái nhìn theo từng thời điểm, từng khoảnh khắc; khác ở tình yêu, sự gắn bó của mỗi người đối với vùng đất này, dù lạ hay quen...
“Nhớ đi đó nghen! Tuyệt lắm, đến rồi, ông lại đòi đi nữa cho mà xem!”. Đọc tin nhắn của Phúc qua điện thoại, tôi cười rồi nhắn lại: “Tất nhiên là đi, đứa nào dại lắm mới không đi!”. Nhắn cho có khí thế vậy thôi, thực ra tôi là người không thích xê dịch nhiều, dù rằng chỉ để đi chơi. Nhưng quả thật, sau chuyến đi Bình Ba cùng bạn bè, mới hay: nếu không đi thì thật là phí biết dường nào.
Đảo Bình Ba - nơi cách Nha Trang chỉ có mấy mươi cây số. Chúng tôi đến đó vào một ngày đầy nắng. Dù là dân sống ở thành phố biển, nhưng cảm xúc bất chợt như vỡ òa khi đảo hiện ra trước mắt với tất cả hoang sơ với màu nước xanh thẳm, yên bình đến chao lòng.
Nhóm chúng tôi hôm ấy có 5 người, gồm tôi, Phúc, Quân, Trường (ba người bạn đều ở Nha Trang) và một anh bạn tên Dương từ Tây Ninh ra. Phúc đã đến Bình Ba mấy lần, tỏ ra khá am hiểu nơi này và bây giờ thì trở thành hướng dẫn viên chính. Ở đây có ba bãi biển cả thảy. Bãi Chướng nằm hơi xa, bị chặn hai đầu bằng hai cung núi và phải đi bằng xe máy mới tới, nhưng đây lại là bãi có nhiều sóng và trông rất hoang sơ. Bãi Nhà Cũ có vẻ nhỏ song trông rất nên thơ, đặc biệt ở đây cát rất trắng và sạch. Gần khu dân cư của đảo là Bãi Nồm. Đây là nơi các du khách thường chọn để bơi lội và đốt lửa trại ở lại ban đêm.
Đến Bình Ba, một thú vui không thể bỏ sót, đó là thuê một chiếc thuyền nhỏ đi vòng vòng quanh các đảo, rồi khi chiều về, chọn một bãi biển để dựng một chiếc lều trú đêm. Tôi nhớ, trước khi có chuyến đi, Phúc đã nói với tôi: “Tui chưa thấy ở đâu mà hoàng hôn về lại đẹp như ở Bình Ba”. Và bây giờ, với tôi, Phúc đã nói rất đúng. Không chỉ đẹp mà lạ. Không hiểu ánh mặt trời cuối chiều có bị chi phối bởi yếu tố nào đó của biển khơi hay không nhưng màu của nó khi chiếu lên đảo trông rất lạ, rất khác so với ở đất liền, không vàng mà phơn phớt tím, và điểm xuyết trong sắc tím ấy là những sợi tơ óng ánh màu trắng trông rất huyền ảo. Rồi từ không gian huyền ảo ấy, sắc tím bỗng dưng đậm dần, để rồi sau đó, bóng đêm từ từ phủ xuống.
Chúng tôi đã dựng lều và đốt lửa ở Bãi Nồm. Giữa gió biển rười rượi, mùi hải sản nướng và hấp gừng bốc lên ngầy ngậy, làm cho bụng dạ ai nấy cồn cào. Phúc đã đặt cho một chị chủ có nhà gần đó chuẩn bị cho chúng tôi những món mà du khách đến Bình Ba không mấy ai có thể dễ chối từ. Đó là món tôm hùm nướng trên bếp củi than chấm muối tiêu chanh; ghẹ hấp gừng đang bốc hơi ngùn ngụt, là món cháo hàu rất nhuyễn đặt bên tô rau hành ngò thơm lừng. Tôm hùm thì khỏi nói, là đặc sản của Bình Ba, nổi tiếng tự ngàn xưa với câu ca: Yến sào Hòn Nội/Vịt lội Ninh Hòa/Tôm hùm Bình Ba/Nai khô Diên Khánh/Cá tràu Võ Cạnh/Sò huyết Thủy Triều/Đời anh cay đắng đã nhiều/Về đây ngọt sớm ngon chiều cùng em.
Cháo hàu cũng vậy, rất ngon. Nhưng với chúng tôi hôm ấy, ai nấy đều có cảm giác chung là món ghẹ hấp đã đạt đến độ trên tuyệt vời. Những con ghẹ đầy thịt, bóc vỏ, xé từng múi nhỏ bỏ vào miệng tự nó như muốn tan ra, vừa ngọt lại thơm. Dương là người khen nhiều nhất, thậm chí khi nồi ghẹ hấp đã hết nhưng vẫn cứ ngồi đó mà khen. Còn với tôi, món ghẹ hôm ấy ở Bình Ba không thể chê vào đâu được. Có thể ở đây, tôm hùm quá nổi tiếng nên ít người nói đến ghẹ. Nhưng bạn thử xem, một ngày nào đó đến đây…
Hôm qua tôi vào mạng, thấy Dương đưa hình ảnh của nồi ghẹ hấp trên Bãi Nồm hôm nào lên facebook của mình và chú thích: “Về Bình Ba ăn ghẹ”. Tôi biết ngay anh chàng vẫn còn mê món ghẹ nên liền chen vào đó mấy câu: “Hôm nào ra Khánh Hòa thì gọi. Tớ sẽ cùng cậu về Bình Ba…”.
Hoàng Nhật