Tôi tình cờ gặp lại ông Nhàn trong một buổi tiệc với những người quen. Đã nhiều năm không gặp, hôm nay, trông ông khá xông xênh. Ông ăn mặc bảnh bao, chải chuốt chứ không lùi xùi như ngày còn ở bên rìa thành phố...
Tôi tình cờ gặp lại ông Nhàn trong một buổi tiệc với những người quen. Đã nhiều năm không gặp, hôm nay, trông ông khá xông xênh. Ông ăn mặc bảnh bao, chải chuốt chứ không lùi xùi như ngày còn ở bên rìa thành phố. Thấy tôi ngạc nhiên, ông vỗ vai: “Này chú, hôm nào ghé nhà anh chơi. Nhà cũ bán rồi, anh vừa mua nhà mới, khu đô thị hẳn hoi”. Hỏi ra mới biết, bây giờ, ông cũng tập tành đầu cơ bất động sản. Nghe đâu cũng làm ăn được khá.
Hồi trước, nhà ông nằm trên một khu đất rộng hơn hai ngàn mét vuông, cuối con hẻm cụt bên rìa một phường của thành phố, nhưng gia cảnh cũng bi đát. Lúc đó, ở nông thôn, đất rộng, người thưa. Sở hữu được từng ấy đất, ông cứ than vắn thở dài. Tuy là đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm nhưng bao nhiêu năm gia đình ông canh tác không hiệu quả, nhà neo người nên phần lớn bỏ hoang. Trước đây, ông là bộ đội, do bị mất sức lao động nên phục viên. Về nhà, vườn tược cũng không chăm sóc được nên cứ thơ thẩn ra vào nhà mà lòng thấy buồn. Có hôm, tôi ghé nhà, lúc trà dư tửu hậu, ông cứ thở dài: “Đất đai có đầy ra đấy, nhưng sức khỏe ngày càng giảm nên không làm được gì! Nhà cửa cứ để âm u cho muỗi mồng sinh sôi nảy nở”. Cũng có lúc, ông định cho người ta thuê. Nhưng ở quê, đất đai nhà nào cũng có, dồn điền đổi thửa thì diện tích này quá nhỏ lẻ, manh mún, còn cho thuê để kinh doanh thì khó kiếm lĩnh vực gì phù hợp với thời buổi bấy giờ nên chẳng ai thuê. Ông cũng đã nghĩ đến chuyện bán bớt đất, nhưng giá thấp tè. Mà có bán đi, cầm tiền tiêu pha thì cũng chẳng mấy chốc mà sạch túi nên lại thôi… Lần khân trong những suy nghĩ, rồi mảnh vườn của ông cứ ngày càng rậm rạp, chẳng có cây trồng nào ra hồn. Ông tâm sự: “Cha mẹ mình đặt cho tên Nhàn mà sao cứ long đong mãi, chẳng khá giả gì”.
Nhà ông nằm cuối hẻm cụt nên khá yên tĩnh, ngoài vang vọng tiếng chó cắn ma; những dàn nhạc giao hưởng của ếch, nhái, ễnh ương mùa mưa lũ. Vả lại, ông thường xuyên đau ốm khi trở trời nên căn nhà lại càng vắng vẻ hơn, ít người lui tới. Duy chỉ một đêm khuya nọ, ngay trước ngõ nhà ông huyên náo hẳn, phá tan không gian yên tĩnh vốn có, tiếng chó sủa vang, tiếng chân nhiều người chạy thình thịch. Ông kể, hơn 12 giờ khuya, có một tốp thanh niên cầm cây rượt đuổi một người, vừa chạy họ vừa hô hoán “trộm”, “trộm”. Cách trước đó vài hôm, người dân trong xóm bị mất trộm mấy con chó nên ức lắm, nghe có trộm là đồng loạt “xuất quân”. Bây giờ, họ đã bắt được trộm ngay cổng nhà ông Nhàn nên đập một trận cho hả dạ trước khi giao nộp cơ quan chức năng. Đến khi công an địa phương lập biên bản thì mới vỡ lở thanh niên này bị nhóm người kia đuổi đánh hội đồng nhưng lại hô hoán là trộm. Thanh niên này tháo chạy vào ngõ cụt, bị người dân cho một trận đòn, trong khi nhóm kia lặn mất tăm…
Bây giờ, con hẻm cụt tới nhà ông Nhàn không còn nữa, nó đã được giải tỏa để mở rộng đường. Nhà ông đã ra mặt tiền, nhịp sống đô thị đã bao trùm lên khu vực này. Nhờ đó, phần đất vườn nhà ông lên giá, “cò mồi” liên tục ngược xuôi hỏi mua. Ông cũng tò mò tìm hiểu chuyện đất cát và bắt đầu bước vào con đường môi giới bất động sản. Mảnh vườn rậm rạp ngày xưa ông cũng đã bán với giá cao ngất ngưởng. Ông dùng một khoản tiền mua đất và xây nhà ở khu đô thị, số còn lại làm vốn liếng đầu tư bất động sản…
Mọi người vẫn gọi “đại gia” khi nói về ông Nhàn. Còn ông, tính cách xởi lởi hơn nhiều so với trước. Gặp tôi tại buổi tiệc, ông say sưa kể chuyện hàn vi ngày nào. Bỗng chuông điện thoại reo lên, ông nhận cuộc gọi và chào tạm biệt chúng tôi. Mọi người bàn tán: “Chắc là có một giao dịch bất động sản mới”. Dáng đi vội vàng, khỏe khoắn, ông Nhàn bước lên chiếc Mercedes bóng lộn. Tôi chạnh nghĩ: “Bây giờ, ông ấy đã thật sự an nhàn chưa nhỉ?”
Đ.H