02:03, 07/03/2018

Khu vườn nhỏ của má

Cho đến khi trở về lại khu vườn nhỏ của má trong mùa hè đang xanh xao lá, tôi hiểu tại sao má vẫn giữ lại mảnh đất này. Đó là một chốn an bình cho hai chị em tôi trở về mỗi khi trong lòng mình lao xao những ngọn sóng tràn. Mà đã là cuộc sống thì cũng giống như sóng biển ngoài khơi xa kia, có khi trào dâng cao những phẫn nộ.

Cho đến khi trở về lại khu vườn nhỏ của má trong mùa hè đang xanh xao lá, tôi hiểu tại sao má vẫn giữ lại mảnh đất này. Đó là một chốn an bình cho hai chị em tôi trở về mỗi khi trong lòng mình lao xao những ngọn sóng tràn. Mà đã là cuộc sống thì cũng giống như sóng biển ngoài khơi xa kia, có khi trào dâng cao những phẫn nộ.


Khu vườn trồng xoài, mít, mận, cam, có cả chanh, ớt và luống cải tần ô để nở hoa vàng làm dịu lòng người. Con đường nhỏ ngày xưa gập ghềnh đá sỏi để đến vườn nay đã thành đường nhựa. Nhưng khu vườn của má vẫn yên tĩnh và thuần khiết màu xanh. Ở nơi đó, tôi và Sa đã lớn lên, đùa giỡn trên những lối mòn ngập đầy lá tre vàng. Ở nơi đó, tuổi thơ tôi cuộn trôi theo mùi rơm đun bếp, mùi  bùn  của con sông nhỏ sau nhà mỗi mùa cạn nước. Ở đó, tôi thênh thang lòng mình và lớn lên. Tôi ăn những trái bắp đầu mùa nướng trong lửa rơm ngọt như chưa bao giờ ngọt hơn, phụ má ra sông giăng lưới bắt cá đem về nấu với lá giang thành bữa canh quê mà nghe ngon lạ. Má không xa khu vườn nhỏ đó, dẫu má lẻ loi một mình. Má bảo: “Nếu má bỏ mảnh vườn này, khi tụi con cần một chốn trở về, tụi con sẽ về đâu?”.


Tôi gọi khu vườn nhỏ ấy là miền an bình. Sa cũng gọi khu vườn nhỏ của má là nơi để tìm về, dẫu tôi và Sa, hai chị em đã có hai cuộc đời riêng ở xa lắc xa lơ tại thành phố. Cuộc sống bận bịu bao điều khiến cho hai đứa quên gọi điện về thăm má, cuộc sống khiến cho chúng tôi lơi những chuyến về.


Má là cô gái nhà quê trăm phần trăm, theo cách gọi của mọi người. Vừa học xong lớp 9 thì má đi học may. Tuy nhiên, má lại không chấp nhận cái cảnh vẫn diễn ra ở làng quê mình khi nhiều cô gái trong xóm mới 18 tuổi đã khăn gói về nhà chồng làm dâu, 20 tuổi đã tay bồng tay bế. Với má, cuộc sống phải có tình yêu, chứ không phải là chuyện đến tuổi thì lấy vợ lấy chồng. Rồi má gặp ba như duyên trời sắp đặt, khi một lần ba đi vào làng tìm mua hoa mai Tết, gặp cô gái quê trong những cánh mai vàng chao rụng vào mùa xuân khiến cho chàng trai thành phố xiêu lòng. Rồi má về làm vợ ba sau dăm cuộc hẹn hò. Nhưng má không đồng ý về phố ở với ba, bởi với má, mảnh đất quê là chốn đi về. Vả lại, má là con một trong gia đình, mà ông bà ngoại đã già. Vì thế, sau khi sinh chị em tôi, khi hai đứa bắt đầu nhón chân vào ngưỡng cửa đại học thì má và ba chia tay nhau. Ba chia tay má vì ba không chịu nỗi cảnh quê. Ba quen với phố xá đêm đêm rực rỡ ánh đèn. Ba quen có bạn bè, ba cần đám đông.


Ba bỏ đi, má ở vậy chăm chút hai đứa con khôn lớn. Và khi hai đứa con như chim đã đủ lông cánh bay đi thì má ở lại. Má ở lại với vườn cây bốn mùa trĩu trái, nơi những con chim tìm về chuyền cành. Nơi ngày Tết hai đứa con cùng chồng mình và những đứa cháu ríu rít bên má trong nồng nàn kỷ niệm xưa.


Khi ông bà ngoại qua đời, mọi người khuyên má nên bán mảnh vườn đó, kiếm một căn nhà trên phố, má cũng từ chối. Ngay cả khi tôi đã có nhà riêng, có thể bảo đảm cuộc sống cho má khi má vào thành phố, má vẫn lắc đầu: “Má quen sống ở khu vườn này rồi. Vả lại, nếu má bán nó đi, Tết tụi con làm gì có chỗ để về? Để khi cần một nơi tĩnh lặng, tụi con về đâu?”. Rồi má bảo má quen ngủ buổi tối trong mùi cây cỏ trộn vào nhau thành một mùi hương đặc biệt. Má quen cả những cây xoài, cây mít… trong vườn, mỗi cây đều có kỷ niệm. Cây xoài tỏa bóng cao to, cho trĩu trái nằm phía trái nhà là ông ngoại trồng khi má ra đời. Cây mít tố nữ nằm sau vườn là má trồng khi sinh tôi, hay cây mít khác má trồng cho nhỏ Sa…


Từ ngày má đem bé Dung về nuôi, hai chị em tôi cũng đỡ ngại cho má phải sống một mình. Bé Dung chừng 15 tuổi, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được má nhận nuôi từ một trại trẻ mồ côi. Bé Dung chịu khó gom lá trong vườn đốt cho sạch, chăm chỉ trồng thêm những luống hoa cúc vàng đem ra chợ bán vào ngày rằm, mùng một. Em còn tạo nên một vườn rau xanh trong vườn nhà với các loại rau thông dụng, phần để ăn, phần để bán. Có khi tôi về thăm má, bé Dung lại nhổ rau, đóng bao để tôi đem lên thành phố. Cũng từ ngày có bé Dung, tôi ít về thăm má. Nhịp điệu sống của thành phố là thế, hối hả tiến về phía trước, đến độ làm cho con người ta phải mệt nhoài vì việc kiếm tiền. Tôi nhắn Sa là hãy về thăm má, Sa cũng chẳng rảnh rang với công việc của một trưởng phòng kinh doanh ở một đơn vị chuyên sản xuất các loại đồ chơi trẻ em. Sa nhắn tin: “Tuần sau rảnh em về”. Tuần sau nó lại đi tận Hà Nội. Má ở nhà cứ đợi bước chân của hai đứa con gái mình đạp lên những chiếc lá cây trong vườn rơi rụng, má đợi nghe tiếng cười trong veo của những đứa cháu ngoại. Má nói: “Má thèm nghe tiếng bước chân của hai đứa con. Nhưng bận việc thì tụi con cứ làm đi. Má có Dung chăm sóc cũng được rồi”.


* * *


Tôi về nhà không báo trước. Tôi và Duật giận nhau. Cả tuần lễ Duật bận bịu công việc, rồi đi Đà Lạt với bạn bè hai ngày. Anh chỉ gọi cho tôi một cuộc điện thoại, rồi máy của anh liên tiếp ngoài vùng phủ sóng. Tôi giận anh  muốn khóc. Còn anh thì vẫn cố tạo ra tiếng cười: “Trời ơi, em giận anh, em đẹp ghê. Trời ơi, chồng lo công việc mà vợ, chồng có đi mèo đâu mà giận”.


Tôi thuê một chiếc ô tô, ba mẹ con tôi về với má.


Má đang hái những quả xoài vừa chín tới trên tay. Má bỏ dở công việc, ra tận cổng: “Dữ hôn, hôm nay cả ba mẹ con về nhà. Nhà ngoại chắc vui lắm đó”. Tôi nói với má: “Chắc con ở cả tháng đó má”. Má cười móm mém: “Thiệt hông? Con nói thiệt cho má mừng”.


Tôi tắt điện thoại để về chốn an bình của má. Buổi trưa, tôi nằm trên chiếc võng cột nối giữa hai cây xoài. Tôi ngủ trong gió đồng quê. Biết tôi thích ăn canh mồng tơi cua đồng, má lui cui vào bếp nấu canh. Má còn kho nguyên một nồi cá cơm kho mặn, nhiều tiêu. Những món ăn quê ấy ngon lạ, ngon như chưa bao giờ ngon hơn.


Má nấu một nồi nước chùm kết, bảo tôi ra sân cho má gội đầu. Ánh trăng non lèn qua cây tạo thành những dải lụa hờ hững. Vừa gội đầu cho tôi, má nhỏ nhẹ: “Con hết giận thằng Duật chưa?”. “Sao má biết?”. Má nói trong tiếng nước chảy qua mái tóc: “Con giận nó thì con về. Nó nhớ con, nó sẽ đi tìm. Vợ chồng yêu thương nhau, lâu lâu giận dỗi như có thêm chút mưa trong ngày nắng đó mà”. Má nói tiếp: “Nếu má bán mảnh vườn này, khi con giận chồng, con biết đi đâu”.


Tôi vào nhà sau khi gội đầu xong, lòng bỗng nhẹ nhàng mọi chuyện. Nỗi nhớ Duật lại ập tới. Tôi mở máy điện thoại ra. Duật đang đợi sẵn ở bên kia đầu giây: “Vợ yêu của anh, ngày mai anh cũng về thăm má. Anh nhớ em và hai đứa con quá”. Tôi cười một mình trong ánh trăng rơi.



. Truyện ngắn của Khuê Việt Trường