Ở quê tôi, lúc nhỏ, bữa ăn thường ngày chỉ có ít tép khô, cá mắm, đậu phụ… Có chăng chỉ đến ngày mang tem phiếu đi nhận thịt theo suất thương binh của bố, nhà mới có bữa ăn tạm gọi là sang. Nhưng dù bữa ngon hay đạm bạc cũng luôn có món canh được hái từ đủ loại rau ngoài vườn, bọn trẻ thường gọi là rau vặt.
Ở quê tôi, lúc nhỏ, bữa ăn thường ngày chỉ có ít tép khô, cá mắm, đậu phụ… Có chăng chỉ đến ngày mang tem phiếu đi nhận thịt theo suất thương binh của bố, nhà mới có bữa ăn tạm gọi là sang. Nhưng dù bữa ngon hay đạm bạc cũng luôn có món canh được hái từ đủ loại rau ngoài vườn, bọn trẻ thường gọi là rau vặt.
Tôi thường theo chị đi hái rau về cho mẹ nấu. Mỗi người một rổ con, chia ra nhiều ngả, tha thẩn khắp làng quê thanh bình. Hàng cọc rào là nơi có dây mồng tơi xanh mướt leo lên; nơi góc vườn lại là xứ sở của đám rau sam, rau dền, rau đay, rau muống, dây bình bát; lẫn trong giàn mướp nơi góc ao, thể nào cũng gặp thiên lý… Cứ vậy, lang thang khắp sân vườn, đường làng, chẳng mấy chốc mà được rổ đầy. Mẹ tôi bảo, làm gì có loài rau vặt, chỉ là loại canh nấu chung đủ loại rau, dân gian gọi là rau tập tàng. Nhưng với những đứa trẻ, quan trọng gì tên gọi theo cách của người lớn. Rau vặt, đơn giản là… gặp rau gì vặt rau đó, nhất là khi cả bọn đã coi hái rau là trò chơi, đứa nào cũng cố vặt thật nhiều loại, hái cho nhanh đầy rổ, ấy là vui rồi!
Thời ấy, bột ngọt là của hiếm. Canh rau vặt chỉ nấu suông với chút muối. Vậy mà vẫn ngon, vẫn ngọt bởi rau còn tươi nguyên, bởi mỗi loại rau đều góp chút hương vị riêng. Tiết trời hạ nóng nực, chỉ cần có tô canh rau vặt, thêm vài quả cà nén là chúng tôi dễ dàng “đánh bay” nồi cơm độn sắn. Bữa nào mẹ ra thăm ruộng, tranh thủ kiếm được mấy con cua đồng ở dọc bờ mương, thì nồi canh càng ngọt lừ. Mấy chị em tôi ít bệnh, lớn phổng lên lúc nào không rõ có lẽ cũng từ những bữa ăn như thế.
Ba chục năm qua đi, ra thành phố sống, rau trái dồi dào, nhưng không hiểu sao, nhiều lúc tôi vẫn thèm da diết tô canh rau vặt xưa. Tâm tình với chị bạn, chị mách nước, ở chợ Xóm Mới, chợ Bình Tân, thỉnh thoảng có vài người mang rau ở Thành xuống, Phước Đồng ra. Đúng là có thật. Họ ngồi ghé góc vỉa hè gần chợ, bày ra mỗi thứ một chút: mấy quả dưa leo, dăm trái bí xanh, bí đỏ, vài chục đậu bắp, nhúm rau cải canh, và tất nhiên có cả bịch rau đủ loại: mồng tơi, đay, chùm bao, bình bát, ngót, dền… Hàng không nhiều, bán cho khách quen, nên hết nhanh lắm, chừng 9 giờ là họ đã thu dọn, về quê.
Từ độ ấy, tôi thường ra chợ sớm, tìm mua rau vặt, thêm lạng cua xay, vài quả cà muối, cặm cụi vào bếp. Để rồi được xao xuyến gặp lại hương vị canh rau vặt thời ấu thơ… Lại rưng rưng nhớ mẹ ngày xưa “váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa…”.
Diệu Minh