04:12, 20/12/2017

Xôi chị Tuyết

Hồi tôi còn nhỏ ở quê, mỗi sáng trước khi đi học, nhà nào khá giả thì cho con 500 đồng, khổ quá thì lục cơm nguội ăn cho đỡ tốn. Nếu còn tí canh, chút cá thì hâm lại, còn không cứ nước mắm chan vô cũng dằn bụng tới trưa.

1. Hồi tôi còn nhỏ ở quê, mỗi sáng trước khi đi học, nhà nào khá giả thì cho con 500 đồng, khổ quá thì lục cơm nguội ăn cho đỡ tốn. Nếu còn tí canh, chút cá thì hâm lại, còn không cứ nước mắm chan vô cũng dằn bụng tới trưa. Một ngàn đồng, tụi tôi có thể mua một đĩa cơm với hai miếng thịt nướng với ít cá chưng của dì Tư. 500 đồng chỉ mua được gói xôi hay ổ bánh mì chan nước mỡ. Nhiều khi ăn xôi 500 đồng, nhín lại 500 đồng ăn ly chè đậu đen tráng miệng.  


Hàng xôi chị Tuyết luôn là chỗ quen để bọn tôi ghé vào mỗi tờ mờ sáng. Chị thấp người, ốm yếu, áo quần lùi xùi, trông lam lũ và khắc khổ. Nhiều người đi đường thấy vậy chẳng thèm ghé vô bởi sợ dơ. Tụi tôi thấy bình thường. Xôi của chị là số một.


Bà Chín, má chị, có mảnh vườn rộng nằm sát bờ sông, trồng mấy chục cây ổi xá lị, mãng cầu dai, cam, me, quýt. Nhờ nước sông Dinh và phù sa mỗi năm bồi đắp nên cây sai trái, tuần nào cũng có người vô mua sỉ cả vườn. Không thì mỗi sáng bà xách rổ hái một mớ ra trước đường ngồi bán cũng đủ tiền mua trầu và ăn bánh. Chẳng biết hai mẹ con kình cãi sao mà bà chỉ cho chị miếng đất nhỏ cất cái chòi đủ chui ra chui vô. Trụi, con gái chị, hiền khô, mũi dãi lòng thòng, đầu toàn ghẻ, sáng nào cũng ra ngồi bên cạnh mẹ. Nghe thiên hạ đồn, tại chị cãi lời bà Chín đi ưng ba bé Trụi nên bà không thèm nhìn mặt


2. Hàng xôi chị Tuyết lúc nào cũng có hai thúng, xôi bắp thì thường trực, còn thúng kia thay đổi mỗi ngày. Khi thì đậu đen, lúc đậu xanh, bữa đậu phụng, có khi nửa này nửa nọ. Chị ngâm bắp già, sáng dậy nhúm lửa hầm cho nở bung rồi cho nếp vào. Bắp nhiều hơn nếp, trộn lẫn vào nhau thành xôi bán đắt ơi là đắt.

Thêm dừa tươi bào thành sợi và làm mỡ hẹ xanh, rưới lên mỗi gói xôi cho béo. Xôi đậu đen hột đậu vừa chín tới, mềm nhưng. Xôi đậu phụng ra màu tía, hạt đậu vẫn còn nguyên, giòn rụm. Xôi đậu xanh nấu bằng đậu xanh cà, đãi sạch vỏ, có màu vàng nhạt. Ngược lại với xôi bắp, xôi đậu có nếp nhiều hơn để rẻ bớt. Xôi chị hấp bằng xửng cho khỏi nhão. Khi hấp, chị bỏ chùm lá dứa trong nồi nước để mùi thơm dịu thấm vào từng hạt xôi căng tròn.

 
Gọi là muối mè cho sang chứ chỉ có một chút xíu là muối, không mè (vì quá mắc), chủ yếu là đậu phụng và đường cát. Trộn hai phần đậu, một phần đường, thêm tí muối hầm cho đằm miệng là thành muối mè ngon.


Sáng nào cả đám cũng đứng loi nhoi, chị Tuyết, cô Tuyết, dì Tuyết, bán cho em, cho con gói xôi bắp. Chị múc xôi bỏ vào lá chuối, hốt nhúm dừa bào, thêm mỡ hẹ, rưới thêm muỗng muối mè. Gấp hai bên lá lại, bẻ ngược ra sau thành hình tam giác, chừa một chỗ hở bên trên. Lấy muỗng làm bằng tàu dừa, cắt nhỏ, cắm vào. Có lẽ không nơi nào ở Việt Nam ăn xôi bằng cái muỗng lá dừa như thế.


Với năm trăm đồng bạc, tụi tôi ăn được gói xôi bắp, hay đậu đen, đậu xanh, đậu phụng. Không thì nói chị bán nửa bắp, nửa đậu cho lạ miệng. Nhiều khi một muỗng muối mè chưa đã, năn nỉ cho em thêm muỗng nữa. Trước sự vòi vĩnh đáng yêu của bọn nhỏ, chị chẳng từ chối bao giờ. Ăn gói xôi, bụng no tới trưa, kịp giờ cơm, chẳng sợ đói.


3. Thúng xôi của chị gắn với những ngày cắp sách tới trường của tôi và bè bạn. 500 đồng, đủ dằn bụng, trưa về nhà ăn cơm chứ làm gì có tiền bạc rủng rỉnh, ăn vặt như giờ. Đời sống mỗi ngày mỗi khác, đủ loại hàng ăn mọc lên, bọn con nít giờ đâu đứa nào ăn xôi mỗi sáng như tụi tôi ngày trước. Xôi ế, lời lãi không nhiều, chị cũng không đủ sức dậy sớm hầm bắp, hấp xôi nữa, đổi qua bán bánh bèo, bánh xèo, quơ quào đủ thứ nghề kiếm sống.


Mỗi lần về thăm nhà, đi ngang xóm cũ, gặp lại chị, chào hỏi đôi câu, nhắc lại món xôi bắp ngon nhất trần đời năm cũ. Tôi muốn nói với chị, mười mấy năm thiên di phiêu bạt, đi nhiều nơi, ăn nhiều hàng quán ở Việt Nam lẫn châu Âu, châu Mỹ, nhưng chưa có chỗ nào bán xôi ngon như hàng chị hết. Bởi hột bắp nở bung, rất dẻo, được hầm bằng củi, chứ không phải bột nhừ để tiết kiệm thời gian (cho ra gói xôi nhão nhoẹt), bắp lúc nào cũng nhiều hơn nếp, hay gói xôi đậu toàn nếp thiên hạ nấu bằng lò cơm điện, muối mè toàn đường, chẳng thấy đậu phụng đâu. Chẳng thể nào tìm được nắm xôi gói bằng lá chuối gấp hình tam giác chừa lỗ bên trên với cái muỗng lá dừa đong đầy ký ức.


Và lặng lẽ đi qua.


Tôi quên hỏi bé Trụi giờ ra sao, chồng con gì chưa? Khu vườn trái cây sum suê của má chị giờ còn không khi bà đã về với Phật? Chị cất lại nhà chưa hay vẫn ở trong căn chòi dột nát? Và chị có giống bà Chín, mỗi sáng ra vườn hái trái cây đem bán kiếm ít tiền mua cá gạo, hay vẫn lam lũ với cuộc đời chắp vá của người đàn bà đơn chiếc, lặng lẽ nuôi con?


Nguyễn Hữu Tài