04:09, 09/09/2017

Những con đường không tên

Tôi nhớ, thời sinh viên, có lần tôi đưa một người bạn là dân thành phố chính gốc về quê mình chơi. Vào buổi chiều, bạn tôi muốn ra chợ mua vài thứ lặt vặt, trong khi ấy tôi lại bận giúp mẹ sửa lại cái chuồng gà nên bảo: "Hay là mày lấy chiếc xe đạp kia để đi!".

Tôi nhớ, thời sinh viên, có lần tôi đưa một người bạn là dân thành phố chính gốc về quê mình chơi. Vào buổi chiều, bạn tôi muốn ra chợ mua vài thứ lặt vặt, trong khi ấy tôi lại bận giúp mẹ sửa lại cái chuồng gà nên bảo: “Hay là mày lấy chiếc xe đạp kia để đi!”. Nói rồi tôi chỉ tay ra phía trước ngõ, hướng dẫn: “Cứ đi hết con đường này, đến ngã ba, quẹo phải, đi một đoạn, gặp ngã tư thì đi tiếp theo con đường lớn nhất nằm ở phía trái có hàng cây xà cừ là đến chợ”. Anh bạn tôi hớn hở, dắt chiếc xe đạp ra sân. Gần tiếng đồng hồ sau, bạn tôi quay về. “Đến chợ và mua được các thứ chứ?” - tôi hỏi. “Mua được rồi nhưng tao đi lạc, hỏi mãi mới tìm được chợ. Đường đã không có tên, lại nhiều quá. Ở đoạn kia, vì phải tránh con bò nên tao phải cho xe chạy qua vũng bùn, lấm cả quần nè!”.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Nghe bạn nói, tôi chỉ biết cười. Đúng là ở quê có rất nhiều đường, toàn là đường đất, và chẳng con đường nào có tên cả. Đường đủ dạng, dài có, ngắn có, lớn có, nhỏ có, chạy chi chít khắp xóm, khắp thôn. Đường này nối vào đường kia. Có khi đường chỉ là cái bờ ruộng hai bên mọc đầy cỏ, nếu hai người đi ngược chiều rất khó tránh nhau. Đường có khi chỉ là lối nhỏ xuyên qua ngôi vườn của nhà này để đi sang nhà kia. Đường có khi chỉ là lối mòn đi tắt, băng qua thửa ruộng mới gặt xong. Đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu dẫn lên rẫy. Đường thoai thoải dẫn xuống bến sông… Có những con đường, vào mùa khô, khi ta bước đi, đất bột làm lún cả bàn chân, còn mùa mưa đến phải kéo ống quần lên, bì bõm để lội qua…


Tuy vậy, nếu đã từng sống ở làng quê, lớn lên, đi xa, mấy ai lại không nhớ về những con đường rất bình dị nơi quê nhà. Với tôi, mỗi con đường ở quê mình là một kho ký ức. Này đây, con đường đầy vết chân trâu mà mẹ cha tôi và bao người thân phải khó nhọc, từng bước bám chặt bàn chân cho khỏi trượt ngã khi gánh những gánh thóc nặng trĩu từ đồng ruộng về nhà. Này đây, con đường nằm sát dưới bờ tre, nơi mà vào một ngày gió nam non thổi rào trên vòm cao, tôi đã đứng đợi mẹ đi chợ về và nở nụ cười sung sướng khi được mẹ cho một miếng bánh tráng nướng kèm theo lát cơm dừa già béo ngậy. Này đây, con đường tôi và mấy đứa nhỏ ê a cắp sách đến trường. Và đây, con đường mọc đầy cỏ may, nơi tôi đã gặp những người mẹ mắt rưng rưng vì mừng vui khi đón những đứa con lên đường làm nghĩa vụ quân sự trở về…


Có thể những ngày sống ở làng quê, giữa bộn bề bận rộn, lo toan ta không hề để ý đến, nhưng khi xa rồi, cả con đường nhỏ xíu cũng biến thành nỗi nhớ. Đặc biệt, ai đã từng yêu, đã từng hẹn hò trên những con đường làng thì dù thời gian có trôi đi bao lâu, nỗi nhớ ấy thật khó phôi pha.


Tế Hanh là nhà thơ được sinh ra ở miền Trung. Trong những tác phẩm nổi tiếng của ông có bài “Có những con đường” - một bài thơ nói về tình yêu, trong đó thể hiện rất rõ tâm trạng của khá nhiều người “về một thời chẳng dễ dàng quên”:


Có những con đường ta đã đi


Thẩn thơ qua lại rất nhiều khi


Nhà người yêu mến ngang qua đấy,


Vắng mặt nên lòng thấy biệt ly.


Với tôi, mỗi lần đọc lại bài thơ trên, trước mắt lại hiện lên ký ức của một thời…


HOÀNG ANH