Hồi tôi còn ở quê, sau nhà có mảnh vườn rộng trồng chục cây ổi xá lị sai trĩu cành, bốn cây dừa xiêm cao ngút ngàn và hai lồng nuôi chim bồ câu để bán. Ngày còn khỏe, ba trồng thêm mồng tơi, rau dền, bồ ngót, bạc hà, lá lốt và giàn gấc cho vui tay vui chân, sẵn có thứ nấu canh, nấu xôi, làm thuốc mỗi khi con đau, cháu ốm.
1. Hồi tôi còn ở quê, sau nhà có mảnh vườn rộng trồng chục cây ổi xá lị sai trĩu cành, bốn cây dừa xiêm cao ngút ngàn và hai lồng nuôi chim bồ câu để bán. Ngày còn khỏe, ba trồng thêm mồng tơi, rau dền, bồ ngót, bạc hà, lá lốt và giàn gấc cho vui tay vui chân, sẵn có thứ nấu canh, nấu xôi, làm thuốc mỗi khi con đau, cháu ốm. Mỗi độ tháng Tư, sau ngày mưa giông, trời hạn, ba vô bếp, lôi mớ khoai từ giống cất từ mùa trước, lấy cuốc vỡ đất thành vồng, ươm khoai xuống. Rồi chiều chiều, í ới với lũ con, xách nước giếng trong, tưới vài gàu cho ẩm.
Trời hè, nắng theo gió Nam đổ lửa lên vườn, nung chín đất đai, vậy mà chục luống khoai vẫn nảy mầm, xanh tốt, sống khỏe vô cùng. Tháng Mười, mưa về tưới mát đất vườn. Những củ từ nằm dưới lòng đất, đầy lông, đầu đuôi một tẹo nhìn ngồ ngộ. Mà kỳ thiệt, mưa càng to, khoai càng căng tròn, mọng thịt. Ba xách cuốc đào khoai, bứt lá, phủi đất, chất đầy mấy rổ, rồi lựa mấy củ già nhất, mập nhất đem bỏ vào chái bếp làm giống cho vụ sau, còn bao nhiêu để đó ăn dần. Sau này có tuổi, ba cũng lười, không ươm khoai đúng hẹn. Anh em tụi tôi chẳng thiết tha gì tới việc gieo trồng. Mảnh vườn bỏ hoang, trơ sỏi đá, khô cằn, nứt nẻ.
Nhanh và gọn nhất là khoai lùi. Cứ hốt một nùi, vùi trong tro nóng, một đỗi sau khoai chín, thơm nức mũi. Còn không lúc nấu cơm, sẵn than, lựa một rổ, rửa sạch hết đất cát, bỏ nồi luộc. Khoai chín, vớt ra rổ, lấy chén đường cát để một bên. Cứ đi qua một củ, đi lại một củ, chớp mắt hết cái vèo. Vỏ khoai từ có sớ vòng tròn, nắm một miếng, lột đều là hết vỏ. Khoai trắng ngà, dẻo nhẹo, nhai từ từ thôi kẻo nghẹn như chơi.
2. Mỗi bận trời mưa, trời đất thảm sầu, dàu dàu hết chín buổi chiều buồn ngơ ngác. Sợ nhất là mưa bong bóng dẳng dai, không chịu tạnh. Hễ sau mỗi bữa cơm trưa là đất trời mù mịt, mưa như trút nước, trắng đất, trắng trời, lê thê, ảm đạm tới tận nửa đêm. Nằm trong nhà, nghe ếch nhái ễnh ương uỗm à uỗm ệch kêu suốt đêm, sợ ma gần chết. Qua rồi cái tuổi khóc muốn hết nước mắt khi nghĩ tới cảnh “trời mưa bong bóng bập bồng, má đi lấy chồng con ở với ai”, nhưng sao cứ buồn, cứ lo lắng khi nhìn mắt má trĩu sầu, bán buôn ế ẩm, hàng hóa chất chồng, tự nhiên muốn khóc. Mãi tới tận giờ, nửa đời người chứ ít ỏi gì, sống xứ người làm giám đốc, quản lý nọ kia, lương tháng ít ngàn đô la, vậy mà mỗi lần thấy mưa bong bóng tôi cũng giật mình ám ảnh.
Cả nhà ngồi bên rổ khoai, vừa ăn, vừa nghe má kể chuyện “Từ cha, từ cha” rồi cười ha hả. Có anh nông dân ra ruộng đào được mớ khoai từ. Vợ dặn không được ăn, mai đem ra chợ bán. Vợ đi vắng, thèm quá, anh lấy một ít đem luộc. Thằng con trai mới bốn tuổi đầu lẽo đẽo một bên, hỏi cái gì thế cha, anh bảo khoai từ, khi nào chín tao cho một củ. Khoai chín, vớt ra rổ, chưa kịp ăn thì vợ về trước ngõ. Anh sợ hết hồn, lật đật trút khoai vào hai bên túi quần. Nóng quá mà không dám than bởi sợ vợ đay nghiến. Anh cứ lòng vòng, nhảy loi choi cho đỡ nóng. Thằng con thấy khoai chín mà cha chả cho củ nào, cứ lẽo đẽo một bên “từ cha, từ cha”. Vợ không biết chuyện gì, bèn hỏi. Anh trợn tròng mắt, xỉ tay vào trán con, la lớn. Bà coi, nó mới tí tuổi đầu mà đòi từ cha, từ cha. Thiệt là quân phản phúc.
Câu chuyện có mấy dòng, chúng tôi nghe không biết bao nhiêu lần, thuộc lòng từ đầu tới đuôi không sót chữ nào. Vậy mà mỗi lần má tằng hắng, ngày xửa ngày xưa, tụi tôi không hẹn mà im ru, ngước mặt, hả miệng, như muốn nuốt trọn từng lời của má.
Cá khan, thịt thiếu, sẵn mớ khoai trong góc bếp, chị ra chợ mua miếng thịt mỡ, ít cọng hành ngò về nấu canh khoai. Gọt sạch vỏ mỏng, xắt làm ba, bỏ lên thớt, lấy chày dần cho dập. Đừng giã nát hay bào mỏng, canh sẽ y như nồi cháo, không còn miếng khoai nào để nhai cho dẻo. Tao thịt mỡ trước, đổ nước, trút khoai vào, đều tay vớt bọt chứ không đục nước. Canh chín, khoai nổi lên trên chen với mỡ. Nêm gia vị, có chút nước mắm cho đượm rồi nhắc xuống bỏ hành ngò vào. Đừng nấu chín quá làm phai vị ngọt của khoai từ thì uổng lắm.
Khoai ra nước nhớt rất dẻo. Đừng để canh quá đặc sẽ không chan được cơm, cũng đừng quá lỏng húp chẳng đã gì. Bới chén cơm nóng, thổi phù phù cho mau nguội. Má luôn dặn phải để cơm nguội rồi mới chan canh, chứ cơm nóng canh nóng, ăn vô là phỏng. Nhưng anh em tụi tôi mới mười mấy tuổi đầu, có đứa nào nhịn nổi cơn thèm trước nồi canh bốc khói. Chan vô, vừa ăn vừa thổi, hít hít hà hà, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Cơm quyện với khoai đặt sệt, béo ngất ngư. Húp cái rột. Ấm hết cả lòng.
Để rồi cả tháng sau đó hầu như ngày nào cũng toàn ăn canh khoai từ. Ít sang thì nấu với thịt mỡ, sang vừa vừa thì kèm thịt ba chỉ. Bữa nào hơi sang thì nấu với tôm tươi. Vậy mà ngon, mà đã, mà bùi mãi tới tận bây giờ mỗi khi nhắc lại thấy thèm ngẩn thèm ngơ.
3. Chiều nay đi chợ Hàn Quốc ở Wheaton, bất ngờ thấy người ta bán khoai từ trồng nhập khẩu qua đây, dài cả sải tay, chặt ra từng khúc bỏ vĩ. Dẫu chẳng phải củ khoai đầu đuôi một tẹo năm xưa ba trồng, nhưng nghẹn lòng quá đỗi. Thế là tôi mua hai vỉ, thêm ít thịt ba chỉ với bó hành ngò, lẳng lặng mang về nhà nấu. Chiều chớm thu, gió mơn man, lá rơi từng chiếc một. Tôi một mình đứng trong bếp, gọt khoai, lấy chày đập cho dập. Bật gas, tao thịt cho săn, nấu nồi canh nóng, nêm bằng mắm, đúng kiểu ngày xưa chị nấu.
Canh chín, múc một tô để nguội. Bưng lên, chưa kịp húp, không hiểu sao nước mắt lưng tròng. Chắc tại bỏ tiêu nhiều quá nên hăng, hay nãy xắt hành, không chịu rửa tay dụi ngay vào mắt. Mà chắc tại ký ức ngọt bùi năm cũ hiện về, lúc mười mấy đứa con quây quần bên ba má, trong gian nhà chắp vá, cạnh nồi cơm canh bốc khói giữa buổi chiều mưa dầm lê thê và câu chuyện “từ cha, từ cha” má kể.
Tôi nhỏ nhất mà giờ đã ngoài ba mươi. Hai mươi mấy năm đi qua cái vèo. Trẻ trung gì nữa cho cam, phải không ba má?
Nguyễn Hữu Tài