09:09, 09/09/2017

Chim khôn sải cánh

Ngày mới quen, má hay bảo anh Hai dẫn bạn gái về ra mắt. Thời sinh viên yêu chóng vánh rồi chia tay, thỉnh thoảng vài tháng anh lại dẫn một cô về rồi bảo bạn. Má nhìn qua cử chỉ là biết tỏng rồi chép miệng "Bạn gì đâu mà anh anh, em em ngọt như mía lùi", anh chỉ cười cười gãi đầu cho xong chuyện.

Ngày mới quen, má hay bảo anh Hai dẫn bạn gái về ra mắt. Thời sinh viên yêu chóng vánh rồi chia tay, thỉnh thoảng vài tháng anh lại dẫn một cô về rồi bảo bạn. Má nhìn qua cử chỉ là biết tỏng rồi chép miệng “Bạn gì đâu mà anh anh, em em ngọt như mía lùi”, anh chỉ cười cười gãi đầu cho xong chuyện. Má bảo, mày đừng như ba mày đào hoa rồi làm khổ người ta là má trị tội đó nha Hai. Anh dạ dạ vâng vâng rồi chạy béng. Nhưng lần dẫn bạn gái về lần này, anh Hai chắc như đinh đóng cột bảo sau này con sẽ cưới Mai - cô gái nhuộm tóc màu xám lông chuột mà má kêu mang tướng sát chồng. Má ậm ừ rồi bỏ xuống nhà nấu cơm.

 

Minh họa Xuân Đinh

Minh họa Xuân Đinh


Rồi anh Hai cưới vợ, xây nhà. Anh kêu má dọn nhà lên phố ở chung cho tiện bề chăm sóc, báo hiếu. Má tần ngần suy nghĩ rồi hỏi ý chúng tôi. Dĩ nhiên hai chị em tôi gật đầu lia lịa. Sau một đêm nghĩ ngợi, má bảo má cũng muốn đi nhưng ngặt nỗi nghĩ tới mộ phần ba tụi bây bỏ bê không người chăm sóc mà lòng má không đặng. Phần vì má bảo nghe người ta nói phố thị ồn ào, ô nhiễm chứ không như quê mình. Chúng tôi thì mong điều ngược lại, nói má cứ thử lên sống vài tuần, không hợp thì má cùng tụi con về, có mất mát gì đâu. Má nghe hợp lý nên gật gật, ừa thì má đi.


Cả nhà như đi trảy hội, khệ nệ đồ. Trong khi chúng tôi háo hức bao nhiêu thì tâm trạng má lại chùng xuống bấy nhiêu.


Ở được nửa tháng má đòi về. Má kêu ở trên này như bị giam lỏng, tối ngày ăn rồi ở không má buồn lắm. Dù thi thoảng anh chị Hai vẫn dẫn má đi siêu thị, shopping để má giải khuây. Nhưng lòng má đã quyết, chẳng ai ngăn cản được...


Vậy là má về, chúng tôi về, anh Hai bất lực tiễn cả nhà ra bến xe, cầm tay má bịn rịn...


***


Ba mất sớm trong lần đi ghe, lúc đó anh mới 6 tuổi. Má bảo lúc người ta khiêng ba về đầu ngõ, máu của ba nhuộm đỏ chiếc khăn choàng đầu. Anh nhìn thấy khóc thét rồi ngất lịm. Kể từ ngày đó, hễ thấy máu chảy nhiều là anh lại lên cơn bệnh.


Ba mất, mình má xoay xở cơm cháo qua ngày. Anh Hai giống ba, cao to vạm vỡ nên chẳng mấy chốc má được nhờ. Không dưng anh trở thành người đàn ông trụ cột trong gia đình. Má nhìn anh bảo nhìn mày má nhớ ba. Rồi mấy má con lại chụm đầu ôm nhau thút thít.


Ông Tư ở đầu cù lao hay chèo ghe ngang qua ngõ, thấy thương cảnh má con nheo nhóc nên thi thoảng mang gạo qua cho. Má thấy ánh mắt gian gian của ổng nên chẳng khi nào nhận. Anh Hai nhiều khi tiếc, bảo má nhận đi, ổng cho gạo chứ có làm gì má đâu. Má bảo mày trẻ con biết gì mà nói. Vậy thôi chứ mỗi khi má đi làm, ông Tư mang gạo qua cho anh Hai nhận tuốt luốt. Má không hề biết được chuyện ấy. Thấy mùi cơm lạ má hỏi, anh Hai bảo đi phụ ông Bảy đẩy ghe nên ổng cho gạo đem về pha cho có xíu mùi, ăn cho ngon miệng. Vậy là xong.


Rồi người ta đồn má cặp kè ông Tư chột, gạo ổng mang qua nuôi mấy má con suốt bao tháng trời. Chuyện đến tai vợ ổng, mấy chị em nhà bà vợ qua nhà làm rùm beng. Má phân trần, rằng ông Tư có qua cho nhưng chưa bao giờ má nhận, tui có gì ăn nấy, chẳng tin chị cứ lục nhà. Ai dè bà này làm thiệt, còn hai bao gạo Thái thơm giấu mép giường. Mà gạo Thái thơm thì nhà ông Tư là nhứt. Má đứng họng tự hỏi: “Ủa, là sao? Nó ở đâu ra?”. Vợ ông Tư dằn mặt má bằng mấy cái tát rồi đe má đừng để có lần thứ hai. Má ê chề ngồi thụp xuống khóc, tiếng khóc oan ức chứ đâu ngờ con má đã làm nên chuyện tày đình.


Trấn tĩnh, má tra khảo. Lúc má đi vắng đứa nào không rào cửa bỏ nhà đi chơi để ổng lẻn vô bỏ gạo. Cả nhà im bặt. Con Út lắc đầu nguầy nguậy. Bỗng anh Hai quỳ trước mặt má thú tội. Má giận quá lấy cây chổi lông gà đánh anh liên tiếp, xong má chạy vào trong buồng dúi mặt vào gối. Anh Hai cứ quỳ vậy, cúi gằm mặt xuống. Có ngờ đâu ra cơ sự này.


Sau chuyện ấy má chẳng dám ra đường, cứ đi làm từ sáng rồi tối mịt mới về. Riết dần quen, cả nhà chỉ quây quần bữa tối. Bữa trưa má mang theo cơm ăn ngoài cồn. Ngày nào mưa, hoặc qua vụ mùa thì má ở nhà chăn lũ gà hoặc đi ghe tôm cá. Cứ thế mà má già.


Rồi anh Hai lên phố học. Riêng khoản học hành má không cho đứa nào bỏ ngang. Cũng vì cái tội đòi nghỉ học theo đám trai cù lao lên phố đi làm mà anh Hai bị má cho mấy trận.


Ngày anh Hai lên phố, má gom cả núi đồ rồi căn dặn. Anh Hai ngoan ngoãn vâng lời má. Nào là hứa con sẽ học hành chăm chỉ thành tài, hứa sẽ không đua đòi chúng bạn. Má xoa đầu anh Hai như đứa trẻ lên ba, ánh mắt ngời sáng những tia hy vọng. Anh Hai chúi mũi vào mái tóc đã ngả màu bàng bạc thủ thỉ, bảo con xin lỗi vì để má mất mặt với láng giềng, với bà con dòng họ. Con nhất định sẽ học tốt, ra trường đi làm mua nhà trên phố đón cả nhà mình lên ở để không ai khinh rẻ nhà mình. Má nghe anh Hai nói mà tai như ù ù, giọng lạc đi...


Anh Hai đi vào tờ mờ sáng. Tôi với má tiễn anh đi. Giọng ông Tám chèo ghe như lạc đi khi gió rít lên từng hồi khe khẽ “Lẹ chân đi bà con ơi cho kịp chuyến xe đò”.


Ghe đi, tôi đứng rạp vào dáng má đưa mắt nhìn theo dòng nước cù lao rẽ đôi đưa chiếc ghe nhỏ qua bến sông rồi dụi dụi mắt.


Má đứng đó cho đến khi bóng chiếc ghe cập bến bên kia, đưa vạt áo lau ngang búi mắt rồi kêu tôi về.


Tôi vào buồng gấp mùng mền cho gọn rồi chuẩn bị đến trường. Thấy bóng má đứng trước bàn thờ ba miệng lẩm bẩm gì đó.


Đêm đó má không ngủ, cứ trằn trọc mãi. Tôi giục má ngủ đi, trời gần sáng rồi. Má bảo ừ má ngủ liền, lo ngủ mai đi học sớm để rồi sau này được như anh Hai mày thỏa sức sải cánh mà bay. Tôi nghe xong quay qua nhìn má thấy nấc nghẹn cổ họng.


Khuya, ngoài trời gió xạc xào những ngọn cây như báo hiệu một trận mưa rất lớn ở cái cù lao nhỏ này.



Truyện ngắn của Song Ninh