11:09, 01/09/2017

Cha mẹ thương con biển trời lai láng…

Phòng bệnh có 2 người. Tờ mờ sáng, chị trở mình vì cơn đau sau mổ, loáng thoáng nghe phía bên kia giường tiếng sụt sịt của bà lão ngoài 70: "Cho mẹ về nhà đi, mẹ khỏe rồi mà…".

Phòng bệnh có 2 người. Tờ mờ sáng, chị trở mình vì cơn đau sau mổ, loáng thoáng nghe phía bên kia giường tiếng sụt sịt của bà lão ngoài 70: “Cho mẹ về nhà đi, mẹ khỏe rồi mà…”. Ngồi cạnh là hai người con gái, dường như không để ý đến lời bà lão, họ tranh nhau nói, đại ý là phân công ai sẽ vào bệnh viện “canh” mẹ ngày nay, ngày mai. Chị thoáng thấy bà lão lau nước mắt. Nhưng không phải vì trách con. Bà vừa khóc vừa nói tội, thương mấy đứa con, đứa nào cũng lo buôn bán cả ngày vất vả, bây giờ còn phải chăm mẹ. Giống như bà đang tự trách mình vậy, khi không đang khỏe mạnh tự nhiên đổ bệnh, phiền con cháu…


Tới trưa, lại có thêm mấy đứa con của bà vào thăm. Cho mẹ ăn uống xong, câu chuyện của họ lại xoay quanh lịch phân công trực trong bệnh viện. Hóa ra, vợ chồng bà có 4 đứa con gái, trừ cô chị cả đang ở với bà ngoài Vạn Giã, 3 cô còn lại đều sống ở Nha Trang. Từ hôm bà nhập viện, 4 cô con gái thay nhau chăm. Đến ngày thứ 3 thì dường như ai cũng… bứt sô. Tối đó, đứa cháu ngoại tình nguyện ngủ lại trông bà. Nửa đêm, bà lên cơn co giật, nó quýnh quáng gọi điện cho dì Út chạy vào. Sáng hôm sau, 4 cô con gái đều có mặt. Lần này, thay vì kéo nhau ra ngoài để thì thầm chuyện ai sẽ trông mẹ, họ ngồi ngay trong phòng và… cãi nhau. Đại ý là ai cũng kể lể mình đã vào bệnh viện cả ngày nên cần phải được nghỉ ngơi. Rồi họ kể tội nhau, tị nạnh nhau vì có người chỉ đảo vào bệnh viện vài lần rồi… mất hút. Hết cãi nhau, họ lại hỏi mẹ thấy sao, đỡ đau chưa, muốn ăn gì, rồi người bóp tay người bóp chân cho mẹ.


Chỉ có bà lão nằm đó, không tham gia câu chuyện của các con. Ai nhìn vào thấy lúc nào bà cũng có con cháu vây quanh chăm sóc, chắc hẳn nghĩ bà lão có phúc, hơn khối người khác lúc ốm đau quặt quẹo chỉ có mỗi một mình. Chẳng ai biết bà lão vui hay buồn.


Bất giác, chị nghĩ đến ba mình. Cách đây 4 năm, ba chị cũng nằm viện. Nhà có 4 anh em đều bỏ công việc túc trực trong bệnh viện. Ca tối, chị nói lắm mới giành được suất ở lại trông ba. Lúc đỡ mệt, ba chị cũng y như bà lão nọ, tự trách mình đổ bệnh chi để phiền con cháu. Nhưng chị biết, lúc nào ba tỉnh dậy, chỉ cần thấy có con ngồi bên, ông cảm thấy cơn đau dịu hẳn. Vậy mà rồi ông cũng bỏ đàn con đi xa, ngủ một giấc dài không bao giờ tỉnh lại. Bây giờ, mỗi lần vào bệnh viện, thấy cảnh người trẻ chăm người già, chị lại nhớ ba, nhớ những ngày chăm ba trong bệnh viện, ước gì ba còn sống, dù có nằm viện dài ngày đi nữa chị cũng muốn ở cạnh để “canh” ba…


Rồi chị lại bất chợt nhớ đến câu chuyện cũng tại bệnh viện này. Có ông lão biết mình mang trọng bệnh khó qua khỏi, sáng hôm đó thức dậy sớm, ông lẳng lặng đi về phía biển, gieo mình vào cơn sóng dữ, trước khi đứa con trai tất tả mang bữa sáng vào cho cha. Trên giường còn lại là một bức thư với dòng chữ nguệch ngoạc của ông, ông nói thương con vất vả chăm mình, ông biết bệnh mình không chữa được nên tự tìm lối thoát. Âu cũng là một cách để ông bớt khổ, để con bớt khổ. Câu chuyện ám ảnh chị đến tận giờ. Hành động của ông lão là tiêu cực, nhưng ẩn chứa bên trong là tình thương, cách nghĩ dành cho con cái vô bờ bến.


Nhìn bà lão giường bên, nghe những đứa con gái của bà bàn với nhau việc chăm mẹ, nghĩ về chuyện của mình, của người, chị lại thấy thấm câu “Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng/Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”… Nhìn tờ lịch thấy đã gần ngày rằm tháng 7. Mùa Vu lan báo hiếu, ấy chỉ là mang tính ước lệ. Chữ hiếu với mẹ cha, phải tính bằng cả cuộc đời…


BẢO BẢO