10:09, 12/09/2017

Ấn tượng từ một bài hát ru

Trong các làn điệu dân ca, hát ru, chúng ta thường bắt gặp mô-típ chiều chiều trong hai tiếng mở đầu, như: Chiều chiều ra đứng ngõ sau; chiều chiều quạ nói với diều; chiều chiều bắt két nhổ lông, hoặc chiều chiều đổ lúa vô quay… Tuy nhiên, với chiều chiều lại nhớ chiều chiều của đất miền Trung nắng cháy lại làm nên một ấn tượng rất riêng biệt:

Trong các làn điệu dân ca, hát ru, chúng ta thường bắt gặp mô-típ chiều chiều trong hai tiếng mở đầu, như: Chiều chiều ra đứng ngõ sau; chiều chiều quạ nói với diều; chiều chiều bắt két nhổ lông, hoặc chiều chiều đổ lúa vô quay… Tuy nhiên, với chiều chiều lại nhớ chiều chiều của đất miền Trung nắng cháy lại làm nên một ấn tượng rất riêng biệt:


Chiều chiều lại nhớ chiều chiều/Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai/Áo vắt vai quần hai ống ướt/Chữ nghĩa chừng nào (mà) lấn lướt vô thi/Tiền năm quan ngũ quán mất đi/Trai nam nhơn đối đặng, gái nữ nhi kết nguyền

 

Trong chương trình dạy hát dân ca miền Trung của Đài Tiếng nói Việt Nam, câu thứ ba của bài hát ru nổi tiếng nói trên, người hướng dẫn đọc là bất ly, mà không phải là mất đi. Vậy thì mất đi hay là bất ly trong bài hát ru bất tử này?


“Bất ly” xác luận hàm ý không rời khỏi thân người (vật bất ly thân); sự cảnh giác, nhắc nhở. Như đồng tiền là huyết mạch chẳng hạn. Lúc ngủ nơi quan xá (thuộc phạm vi không gian được định vị rõ trong bài hát), đồng tiền luôn mang theo bên người.


“Mất đi” thuộc phạm trù minh xác tình huống ngữ cảnh. Vì ngủ quán nên bị mất đi. Qua đó cho ta hình dung bối cảnh nhân vật trữ tình. Có thể là một nho sinh trên đường lai kinh ứng thí, hay khách lữ thương trên dặm đường thiên lý ngược xuôi. Mất đi vì thời buổi loạn lạc, trộm cắp, hay cũng có thể trả tiền ngủ trọ, uống ăn. Do đó, cặp từ mất đi hàm chứa một nội dung sâu sắc.


Nét độc đáo mà người con gái đưa ra trong câu hát đối ấy chính là cách dùng chữ đồng âm dị nghĩa. Trong cụm ngữ “năm quan ngủ quán”, ta để ý cái lắt léo của tầng đơn vị ngữ nghĩa. Từ “ngủ” nếu viết dấu ngã thì trong tiếng Hán là định lượng/thứ bậc số 5, và quán nghĩa là quan tiền. Đồng thời vì ngủ quán nên mới mất đi.

 

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

 

Một hôm, tôi may mắn gặp một lão nông thông suốt chữ nghĩa. Nhân đấy tôi hỏi về câu hát đối nào để đáp lại cái lắt léo thú vị “tiền năm quan ngủ quán mất đi”. Sau một hớp nước chè xanh nóng, cụ thong thả đọc: “Ruộng nửa sào bán cao còn lại”. Ồ! Tôi vô cùng ngạc nhiên. Ở đây ta thấy cách xử lý thành tố bán cao. Theo tiếng Hán, bán có nghĩa là một nửa, cao nghĩa là sào. Và ngôn ngữ thông thường thì bán trong bán mua, cao trong cao thấp. Vì bán giá cao nên mới còn lại! Năm quan/ngũ quán; bán cao/nửa sào; mất đi/còn lại. Quan hệ tương hợp của câu đối và hài thanh ngôn ngữ của vị lão nông nhấn nhá từng phách chữ, tưởng chừng như những lát cuốc chắc nịch vỡ đất ruộng sâu.


Không hiểu có phải vì nghe được câu chuyện đàm luận về câu đối ấy, hay là để đưa giấc ngủ trẻ thơ thiêm thiếp theo lời ca, mà từ nhà dưới vọng lên tiếng hát trong vắt của người mẹ ru con: A à a ớ khoan chớ khoan hỡi là hò khoan. Bởi con sông dài nên anh mới lội băng. Quần không xăn nên hai ống ướt. Mồ hôi ra như ướt nên anh cởi áo vắt vai. Chớ như anh đây văn hay, võ giỏi nên anh mới luận tài mà vô thi. A à a ớ khoan… Chớ tiền lục giăng ăn sáu cân y. Trai nam nhơn đây đà đối dặng, đó gái nữ nhi kết nguyền.


Lời hát kéo dài thong thả, âm vực vút cao ở hai chữ kết nguyền khiến tôi xao xuyến nhìn ra mông lung… Vạt nắng chiều lung linh ngoài sân. Gió thoảng nhẹ trên ngọn chè xanh mướt lá. Giọng hát như vắt vẻo trên ngàn nội, thung xa.


Tài tình làm sao với cách dụng chữ lục giăng/sáu cân theo lối văn bút từ chương đối ngẫu của các cụ đồ nho ngày trước.


Chiều đã gác núi. Bước xuống bậc ngõ đá trung du, lòng tôi còn vương vấn theo lên trong từng ngụm nước chè xanh đậm ấm miệt nguồn. Văng vẳng giọng hò của làn điệu hát ru tan trong chiều bảng lảng, dìu gót tôi về. Ngẫm ra, ông cha ta thật tài tình. Trong bất chợt của một đêm hát hò khoan giao duyên, các vị đã cất lên lời tao nhã, văn hoa, nhẹ nhàng trầm lắng. Lời nghĩa tình sâu nặng, tung hứng đối ứng nhịp nhàng đã cho ta khám phá những thú vị qua cách xử lý ngôn ngữ dân gian bác học.


Cho dù hát với hai tiếng bất ly, hay là mất đi, thì âm sắc và cảnh huống lời ca chiều chiều lại nhớ chiều chiều… vẫn là cung bậc muôn thuở trong kho tàng dân ca Trung Bộ.


Võ Khoa Châu