12:07, 15/07/2017

Văn hay sử?

1. Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng vừa cho in lại cuốn sách "Lĩnh Nam chích quái" của tác giả Trần Thế Pháp, đời nhà Trần. Điểm mới và rất ấn tượng của cuốn sách này chính là phần minh họa rất công phu của họa sĩ Tạ Huy Long - Trưởng phòng Kỹ - Mỹ thuật NXB Kim Đồng. ....

1. Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng vừa cho in lại cuốn sách “Lĩnh Nam chích quái” của tác giả Trần Thế Pháp, đời nhà Trần. Điểm mới và rất ấn tượng của cuốn sách này chính là phần minh họa rất công phu của họa sĩ Tạ Huy Long - Trưởng phòng Kỹ - Mỹ thuật NXB Kim Đồng. Ngay khi ra đời, cuốn sách đã được bạn đọc đón nhận. Rất nhiều tờ báo đã có bài giới thiệu về cuốn sách, đáng tiếc một số người đã “vô tình” xếp cuốn sách này vào dòng sách lịch sử. Thậm chí, có báo còn giật tít “Cơn địa chấn của sách sử” để nói về sức hút của “Lĩnh Nam chích quái” và cuốn sách “Sử Việt - 12 khúc tráng ca”.


Thiết nghĩ, ca ngợi, cổ vũ một xu hướng làm sách, một cuốn sách được đầu tư công phu là điều đáng quý. Tuy nhiên, mọi sự cần phải cẩn trọng. Những ai từng học về văn học trung đại đều biết, “Lĩnh Nam chích quái” cùng với “Việt điện u linh” (Lý Tế Xuyên) được xếp vào dòng văn học truyền kỳ thời Lý - Trần. Trong đó, “Lĩnh Nam chích quái” là chuyện về các huyền sử, phong tục tập quán của người Việt từ buổi hồng hoang đến những câu chuyện xảy ra ở thời đại nhà Trần như: truyện Hồng Bàng, truyện trầu cau, truyện bánh chưng, truyện rùa vàng, truyện thần núi Tản Viên, truyện Đổng Thiên Vương… Những câu chuyện ấy có liên quan đến lịch sử, có ảnh hưởng đến những tác phẩm sử học về sau (khi viết “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã dựa vào truyện Hồng Bàng để giải thích về điểm khởi nguyên của lịch sử dân tộc Việt Nam) nhưng xét đến cùng đó không phải là cuốn sách lịch sử. Chính vì vậy, khi xếp “Lĩnh Nam chích quái” vào dòng sách lịch sử thì thật sự không thỏa đáng.


2. Cách đây chưa lâu, Công ty Sách Đông A tái bản cuốn tiểu thuyết lịch sử Trần Quốc Toản (NXB Văn học) của nhà văn Lưu Sơn Minh. Vì yêu thích các tiểu thuyết lịch sử, cũng như bản sách mới có bìa do họa sĩ Thành Phong minh họa rất đẹp nên tôi đã đến các nhà sách để tìm mua nhưng không thấy. Mãi gần đây, khi đến Nhà sách Phương Nam Nha Trang, tôi lại thấy 2 cuốn tiểu thuyết lịch sử: Trần Quốc Toản và Trần Khánh Dư của nhà văn Lưu Sơn Minh nằm lọt thỏm ở kệ sách lịch sử!


Tiểu thuyết lịch sử dù có dựa vào những nguồn sử liệu chắc chắn để làm sườn thì vẫn đầy rẫy các chi tiết hư cấu, diễn dịch vấn đề theo góc nhìn của tác giả. Chính vì vậy, không thể đồng nhất tiểu thuyết lịch sử với sách lịch sử. Việc nhà sách đặt tiểu thuyết lịch sử vào kệ sách lịch sử rất có thể khiến người đọc thiếu kinh nghiệm bị nhầm lẫn.


THÀNH NGUYỄN