Cả dòng họ tôi đến ba đời không có lấy một chỗ nương thân nên hơn ai hết tôi hiểu thế nào là nỗi bất hạnh của một con người không có một mảnh đất để gọi. Ông nội tôi làm nghề lục lộ, bây giờ gọi là cầu đường. Gốc gác ông ở Quảng Bình, trôi dạt về phương Nam kiếm sống.
Cả dòng họ tôi đến ba đời không có lấy một chỗ nương thân nên hơn ai hết tôi hiểu thế nào là nỗi bất hạnh của một con người không có một mảnh đất để gọi. Ông nội tôi làm nghề lục lộ, bây giờ gọi là cầu đường. Gốc gác ông ở Quảng Bình, trôi dạt về phương Nam kiếm sống. Rồi ông gặp bà nội tôi ở Bình Định. Gia tài ra đi theo chồng của nội là chiếc kiềng gia truyền 5 chỉ vàng được bà cố cho. Chiếc kiềng đó sau này được bà nội đem bán, lấy làm vốn thuê mặt bằng mở một quán nước. Quán nước của bà nội bán được, tưởng rằng những đồng bạc chắt mót ấy sẽ đủ để mua một ngôi nhà. Nhưng ngôi nhà dù rằng giá bấy giờ không đắt đỏ gì lắm cũng đã vuột khỏi tầm tay bà nội. Ông nội tôi đã vướng vào một thứ bệnh nan y không thể nào gỡ nổi: hút thuốc phiện. Chính vì nghiện thuốc phiện mà ông nội tôi bị đuổi việc và toàn bộ số tiền bà nội dành dụm được do buôn bán cũng bị ông nội lấy tiêu xài.
Tôi nhớ khi tôi chỉ mới vừa 3 tuổi thì ông nội tôi qua đời. Đám tang ông nội trời bỗng đổ cơn mưa dầm, cả đoàn người theo sau chiếc quan tài trong dòng mưa trắng xóa ấy im lặng. Bà nội chống gậy đi phía sau, cả đời bà lo cho chồng và bốn đứa con lớn khôn khiến cho đôi vai oằn xuống. Từ ngày ông nội mất, ba bỏ mẹ tôi đi theo một cô đào hát trong một đoàn cải lương. Mẹ tôi cũng vậy, một hôm bà đem tôi gởi cho bà nội rồi nghe nói cũng đi theo một người chuyên bẻ những chiếc ghi tàu hỏa. Từ một đứa trẻ có cha mẹ, tôi trở thành trẻ mồ côi, vì cha mẹ tôi đã chia tay tôi về hai phía khác nhau. Bà nội thương cháu, dắt tôi vào ở nhờ trong một khu ruộng rẫy. Bà được ở nhờ trong căn nhà do những người làm rẫy che tạm để có chỗ nghỉ chân khi làm việc. Hàng ngày, bà ra đồng làm đủ mọi việc như: nhổ cỏ lúa, làm cỏ đậu hoặc cuốc đất trồng khoai nuôi tôi. Buổi tối, có nhiều khi trời lạnh, tôi và nội vùi mình trong đống rơm thơm mà ngủ. Những ngày sống với nội, thế gian tôi nhìn thấy chỉ là ruộng đồng, mương nước và những con cò trắng bay về. Những vần chữ a, b, c tôi học được cũng từ bên bếp lửa hồng kê bằng chiếc kiềng ba chân, những củ khoai lùi nóng hổi vừa cháy vừa sống trong những đêm gió lạnh.
Những lúc rảnh rang, bà nội ôm tôi vào lòng, vuốt mái tóc cháy vàng vì nắng của tôi mà nói:
- Lớn lên, con phải cất cho nội một ngôi nhà!
Từ đó, tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ cất một ngôi nhà thật to. Khi ấy, mái tóc nội đã bạc thếch, tôi sẽ mua cho nội một chiếc gậy trúc có chạm đầu rồng, sẽ mua một chiếc khay trầu khảm xà cừ cho nội têm trầu. Trí tưởng tượng của tuổi thơ tôi cứ thế mà bay theo năm tháng.
Tôi, đứa con mồ côi bất đắc dĩ ấy có những lúc lang thang theo những đường ray tàu lửa, nhặt nhạnh nhôm nhựa người ta ném theo đường tàu, bán chúng để kiếm tiền mua những cuốn truyện thiếu nhi và mày mò đọc. Rồi nội gởi tôi cho một ông thầy giáo già. Lớp học là một ngôi nhà vách đất, mái tranh, những miếng ván gỗ xếp làm ghế, làm bàn. Lớp học thời thơ ấu và ông thầy giáo già đó đến sau này vẫn không thể nào làm cho tôi quên được. Thầy có một chiếc thước gỗ, học trò để bàn tay không sạch cứ đưa ra cho ông dùng chiếc thước gỗ đánh vào.
* * *
Tôi đã bước những bước chân không dễ dàng của mình vào cuộc đời có trăm vạn đắng cay. Tôi phải len vào cánh cửa hẹp nhất để không trở thành một tên du đãng, một thằng ăn cắp bên hè phố. Nội không nuôi tôi mãi được, gởi tôi từ nhà này đến nhà người khác, nhưng mọi ngôi nhà đều không phải là nhà của tôi và nội. Tôi đã từng bị nguyền rủa là đứa con không cha không mẹ, đi vệ sinh không biết dội nước, không có một cái khăn lau mặt đàng hoàng. Đôi dép tôi đi đứt đi đứt lại, tôi phải dùng những cọng dây thép buộc quai. Gia tài thuở ấy tôi chỉ có một chiếc áo trắng đi học may bằng tấm trải giường của Mỹ. Có khi tôi muốn bỏ học vì không có tiền để mua một cuốn sách giáo khoa...
Nội về nhà cô Út ở. Còn tôi ở với cô Tư. Cô Tư sống một mình, cũng bươn chải đủ mọi nghề để nuôi con và nuôi cháu. Cô nuôi tôi ăn là may mắn lắm rồi, lấy tiền đâu cho tôi đi học.
Tôi bước chân vào đại học cũng với mơ ước sẽ chính tay mình cất một ngôi nhà đưa bà nội về ở. Tôi làm bất cứ nghề gì để tiếp tục bước đi trên con đường tôi muốn chọn. Tôi đi hết con đường bằng đói, no và khó khăn trăm bề...
Thời gian trôi. Lời hứa với nội khi nội đã bước vào tuổi 87. Nội già lắm rồi, lưng còng xuống, da mồi nhăn nheo và hàm răng không còn. Tôi xoay xở đủ cách để cất ngôi nhà nhỏ như tổ chim ở ngoại ô. Những khi ghé thăm nội, cầm bàn tay chỉ còn da bọc xương của nội, tôi nói:
- Nội ơi, mình sắp có nhà rồi!
Nội thì thào:
- Nhớ chừa một chỗ để nội thờ ông bà nghe con!
Nhà xây xong thì cơn mưa mùa trong năm bắt đầu. Những cây cảnh tôi trồng trước nhà chưa kịp lớn, căn nhà chưa có một thứ tiện nghi nào - nhưng đó là căn nhà của tôi, căn nhà đầu tiên của dòng họ tôi.
Hôm đó nội khỏe hẳn lên. Chiếc xích lô chở nội qua con phố xa đưa nội về nhà.
- Nhà mình đẹp quá. Con ơi.
Nội nói như thế khi bước chân nội chạm vào vạt đất đầu tiên của ngôi nhà. Ba ngày sau bà nội tôi qua đời. Bà đi trong thanh thản, nhẹ tênh sau giấc ngủ dài. Nội đã được chết trong ngôi nhà của nội.
. Truyện ngắn của Khuê Việt Trường