04:03, 08/03/2017

Xóm cũ

Bạn hỏi tôi có khi nào nhớ về xóm cũ không? Nhớ chứ, làm sao quên được, hơn nửa đời người của tôi với biết bao thăng trầm vui buồn đã trải qua ở đó. Nhớ về xóm cũ là sống lại cả một khoảng thời gian tươi đẹp, sống lại những kỷ niệm ngọt ngào mà nhớ từ đó ta đã lớn lên, từ đó mà những lúc an yên ta có nơi để nhớ về.

Bạn hỏi tôi có khi nào nhớ về xóm cũ không? Nhớ chứ, làm sao quên được, hơn nửa đời người của tôi với biết bao thăng trầm vui buồn đã trải qua ở đó. Nhớ về xóm cũ là sống lại cả một khoảng thời gian tươi đẹp, sống lại những kỷ niệm ngọt ngào mà nhớ từ đó ta đã lớn lên, từ đó mà những lúc an yên ta có nơi để nhớ về.


Xóm cũ của tôi nằm giữa hai ngã tư đường; giữa một đầu là cái chợ nhỏ và một đầu là cái trạm biến điện mà ngày ấy chúng tôi gọi là nhà hơi. Má tôi thường kể lại về những ngày đầu ở xóm, chưa có đường đi, ở đó toàn là cát, khi xây nhà má đã phải gánh từng đôi nước từ ngoài đường lớn, đi qua những bờ bãi cát lún đến mắt cá chân. Khi nhà cửa đã được xây dựng nhiều thì ngôi chợ cũng được hình thành, người ta gọi là chợ Xóm Mới, đó cũng là tên gọi cái xóm cũ của tôi.


Xóm cũ khi đó người chưa đông nên nhà nào cũng có khoảng sân trước thật lớn, nhà này nhà kia ngăn cách nhau bằng một hàng rào thép gai để khi cần chỉ ới nhau một tiếng là có thể nhìn thấy nhau mà trao đổi, chuyện trò. Ngày còn nhỏ, tôi và bạn bè ở xóm cũ đã cùng nhau chơi từ sân nhà này qua sân nhà khác, chơi u mọi ở nhà tôi, nhảy cò cò ở nhà cô Bảy, chơi giật cờ ở nhà bác Ba. Khi cây chùm ruột ở sân nhà tôi lớn lên thì nó trở thành thứ thức ăn trong trò chơi đồ hàng, chơi nhưng ăn thật, cứ hái chùm ruột đập giập rồi trộn với nước mắm đường, có dằm chút ớt cay cay, một đứa bán hàng, vài đứa khác làm người mua rồi cùng ăn, có khi lỡ tay bỏ ớt cay làm chảy nước mắt mà đứa nào cũng cười. Lớn hơn một chút, chúng tôi để ý đến mấy cây điệp ở sân sau nhà bác Ba, khi trái đã già, chúng tôi lấy hạt lột vỏ ăn lớp lụa dẻo dẻo mềm mềm bên trong. Sao ngày ấy ăn gì cũng thấy ngon và những món ăn vớ vẩn ấy lại được nhớ hoài.


Tôi vào tuổi thiếu nữ thì xóm tôi cũng đã khác nhiều. Tôi không còn đứng trước nhà ngóng má đi chợ về để được năm ba viên kẹo bột má cất trong túi áo bà ba. Một ngôi trường trung học khang trang được xây đối diện với nhà tôi để những bước chân con gái lúng túng, ngượng ngùng nếu hôm nào đi học về nhằm lúc trường bên đó đến giờ tan học. Ngôi nhà của ba má tôi cũng đã được xây mới, có thêm được khoảng sân trên cao để chiều chiều tôi ra đứng hong tóc, có khi trừng mắt với một tên con trai nào đó ở trường bên kia giở trò trêu ghẹo. Xóm cũ lại chứng kiến chúng tôi lớn lên, không còn nhảy dây, nhảy cò cò, hay chơi trò u mọi, có vài đứa trong xóm tự nhiên để ý đến bạn mình mà suy nghĩ vẩn vơ. Nhưng chẳng có mối tình nào giữa những đứa trẻ trong xóm cũ, từng đứa đã tìm đến những thành phố lớn hơn với những giấc mơ ấp ủ từ lâu. Có dịp trở về xóm cũ gặp nhau thì những đứa trẻ ngày xưa chỉ chào nhau bằng những nụ cười ngượng ngập, có khi còn ngó lơ như không hề nhận ra nhau.


Gặp lúc khó khăn, ba má tôi bán nhà, rời xóm cũ. Rồi tôi cũng có ngôi nhà riêng của mình, xóm cũ chỉ còn trong những lúc hồi tưởng chuyện xưa. Thỉnh thoảng đi ngang xóm cũ, ngoái nhìn ngôi nhà xưa với bao ngậm ngùi thương nhớ. Xóm cũ giờ đã khác xưa nhiều lắm. Không còn những khoảng sân rộng bên trong những hàng rào dâm bụt vì nhà nào cũng xây cao hơn, mở rộng ra giáp mặt đường để làm nơi buôn bán. Ngôi nhà cũ của ba má tôi cũng đã được xây lại khác đi nhưng vẫn có khoảng sân trên cao hướng về ngôi trường phía trước, có điều nơi đó bây giờ là một trường mẫu giáo. Không có nam thanh nữ tú dập dìu, chỉ có tôi đứng từ xa nhìn lại tưởng tượng cô thiếu nữ 17 tuổi của mình. Những người cùng thời với ba má tôi chỉ còn lại ít người, có người nhận ra khi tôi chào hỏi, cũng có người nhớ nhớ, quên quên. Bạn xưa ở xóm cũ cũng bỏ đi khá nhiều, người còn gặp lại cũng không đủ mặn mà để có thể cùng ngồi lại nhắc chuyện ngày còn nhỏ. Dần dần có thêm những ngôi nhà thay chủ mới, xóm cũ đã xa lạ ít nhiều.


Dù vậy, tình yêu của tôi với xóm cũ vẫn không mất đi, nó như một phần của cuộc đời mà tôi phải cất giữ vì ở đó tôi đã sống khoảng đời đẹp nhất của mình. Những đứa con của tôi cũng được sinh ra từ đó, chúng cũng kịp lớn lên và ghi nhận đôi điều về xóm cũ để hân hoan kể lại với tôi rằng có người đã nhận ra khi nó ghé về. Vậy thì hà cớ gì tôi lại quên. Nên dù không ở gần chợ mấy chục năm nay nhưng mỗi tuẫn tôi ghé chợ một lần, mua hàng ở những người quen cũ, hỏi thăm sức khỏe của nhau và có cớ để nhìn lại những con đường quen thuộc mà thấy như mình chưa hề rời bỏ nơi đó bao giờ.


Chỉ là không nghĩ đến thôi chứ không có điều gì bị lãng quên đi. Là tôi nghĩ thế.


Lưu Cẩm Vân