09:03, 07/03/2017

Không có hoa hồng...

Suốt mấy hôm nay, đường phố tràn ngập điểm bán hoa và trên facebook ngập các lời chúc mừng kèm hoa… ảo. Phụ nữ quanh năm vất vả với thiên chức việc nhà, việc xã hội, trong năm ít ra cũng có 2 ngày được bù đắp bởi sự quan tâm. Nhưng không phải ai cũng được nhận hoa và lời chúc…

Suốt mấy hôm nay, đường phố tràn ngập điểm bán hoa và trên facebook ngập các lời chúc mừng kèm hoa… ảo. Phụ nữ quanh năm vất vả với thiên chức việc nhà, việc xã hội, trong năm ít ra cũng có 2 ngày được bù đắp bởi sự quan tâm. Nhưng không phải ai cũng được nhận hoa và lời chúc… Trong cuộc sống này, có rất nhiều, rất nhiều phụ nữ cả đời chưa một lần được nhận một nhành hoa hay lời chúc trong dịp này.

 

Minh họa: Xuân Đinh
Minh họa: Xuân Đinh


Hình như hoa thật và lời chúc chỉ dành cho những chị em may mắn được làm công chức, viên chức - những đối tượng dù thu nhập chưa thật cao nhưng không có gì phải lo lắng về công việc, về ngày mai. Hoặc giả chỉ những chị em nào làm trong các doanh nghiệp ăn nên làm ra, lãnh đạo quan tâm đến đời sống tinh thần. Không chỉ hoa, chúc mừng mà còn những chuyến đi chơi xa, những cuộc liên hoan hay cà phê sáng… dĩ nhiên từ quỹ phúc lợi của cơ quan! Vào được biên chế Nhà nước vẫn luôn là ước mơ của bao người.


Hoa ảo và lời chúc trên mạng có lẽ nhiều nhất là của giới sinh viên, học sinh. Cuộc sống học trò, giá trị tinh thần là quan trọng, vô mạng kiếm một bó hoa thật đẹp miễn phí cùng lời chúc thiết tha, nhấn nút gửi cái vèo đương nhiên dễ hơn nhiều việc đi ra đường, mua bông hồng thật mười mấy ngàn…


Còn hàng hàng lớp lớp những người phụ nữ lao động có bao giờ biết được tặng hoa? Những công nhân chấp nhận tăng ca liên tục để thêm chút tiền dư ngoài đồng lương cơ bản. Những người buôn gánh bán bưng, bám vào các chợ, những phụ nữ khắc khổ đi bán vé số dạo, mong mỗi ngày kiếm mấy chục ngàn mua gạo và có đủ đóng tiền học cho con. Những phụ nữ nông thôn, nắng sương dãi dầu không dễ đoán tuổi thật, mua sắm gì cũng nhẩm tính theo giá lúa… Với họ, ngày Quốc tế Phụ nữ là cái gì đó của một thế giới khác, thế giới chưa bao giờ dành cho họ. Cũng có những ông chồng lãng mạn mua hoa tặng, nhưng thường bị… trách cứ vì tiếc tiền, vì 10.000 đồng cho bông hoa phù phiếm đó có khi được một bữa sáng ấm lòng trước một ngày lê chân khắp chốn để bán cho hết xấp vé trên tay.


Xót xa thay, số những người này hình như chiếm phần đông trong xã hội. Không có lẽ, câu ca dao xưa: “Thân em như hạt mưa sa; hạt vào đài các, hạt ra ruộng lầy…” đến giờ vẫn đúng, mà ruộng lầy thì luôn mênh mông?


Chợt nghĩ về những chương trình học tập về bình đẳng giới, về quyền phụ nữ trong những cơ quan, cho những người mưa không đến mặt, nắng chả tới đầu. Bình đẳng giới có lẽ mới chỉ có ở những văn phòng máy lạnh chạy rù rù… Những phụ nữ lao động khắc khổ kia bao giờ được nghe chữ bình đẳng như thế chứ?


Chợt nghĩ về đề nghị kéo dài tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ để đảm bảo sự bình đẳng (!)… Dám chắc một điều, những người công nhân may công nghiệp mờ mắt theo mũi kim, những người làm trong các xưởng đông lạnh hầu như đến tuổi 30 đã đau khớp, viêm họng kinh niên, hay những công nhân môi trường thức thâu đêm làm sạch đường phố và bao nhiêu nữ lao động chân tay khác… khi được hỏi nghĩ sao về đề nghị trên, sẽ được nghe câu trả lời khác.


Những hàng hoa vẫn tấp nập người mua, những lời chúc tốt đẹp vẫn ngân lên... Còn quá nhiều, quá nhiều những góc khuất cuộc đời mà hoa và lời chúc không hắt bóng tới.


Thủy Ngân