12:02, 11/02/2017

Rằm tháng Giêng

Lễ rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu, là một trong những ngày Tết rất quan trọng của người Việt Nam. Nguyên tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Tết Nguyên tiêu còn gọi là Tết Thượng nguyên, bởi còn có Tết Trung nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ nguyên (rằm tháng Mười).

Lễ rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu, là một trong những ngày Tết rất quan trọng của người Việt Nam. Nguyên tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Tết Nguyên tiêu còn gọi là Tết Thượng nguyên, bởi còn có Tết Trung nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ nguyên (rằm tháng Mười). Trước đây, lễ rằm tháng Giêng còn thường gọi là Tết muộn bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn.


Lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng. Chị ít đi chùa, hàng tháng chỉ thắp nhang cho ông bà vào ngày rằm, mùng một ở nhà, nên cũng không hiểu nhiều ý tứ của câu này. Với chị, ngày rằm nào cũng vậy, là ngày mà bàn thờ nhỏ trong nhà ấm áp khói nhang tưởng nhớ đến tổ tiên…


Bạn chị là một người kinh doanh thành đạt ở Nha Trang. Từ bao giờ, bạn vẫn giữ nếp nhà sau Tết cho đến rằm tháng Giêng, bạn đi lễ đủ 10 chùa, và luôn luôn chỉ đến dâng hương ở những ngôi chùa nhỏ ở các vùng quê, tuyệt đối tránh những chùa có đông du khách đến tham quan. Năm nay, bạn kéo chị đi cùng. Bạn cười với chị, mình đi cầu Phật độ cho những điều an lành cho người thân, cho phận mình được nhờ đỡ, đi cho tâm mình tĩnh, gạt bỏ những muộn phiền để bước vào năm mới…


Trong sân chùa nhỏ ở một vùng quê, khi bạn vào lễ, chị lặng lẽ ngồi dưới gốc cây ngọc lan già. Lên chùa mong tìm sự tĩnh tại, mà sao ký ức xưa cứ dồn chảy về. Chị thấy lại mình thời sinh viên, đợt thực tế tốt nghiệp ở nhờ một ngôi chùa nhỏ ven Hồ Tây. Ngôi chùa giản dị, trước thờ Phật, sau có khám thờ vị sư tổ đã khai sáng chùa. Sư bà trụ trì hiền từ và suy nghĩ rất đời, hay khuyên nhủ đám sinh viên như một người bà trong nhà chứ chẳng nghe chút hơi hướng giáo lý nào. Chị nhớ sau khi tốt nghiệp, khi đi xin việc mãi không thành, sự chia ly là khó tránh, có một chiều đông chị đạp xe một cách vô định. Không hiểu sao nơi đến lại chính là sân chùa nhỏ ấy. Ngồi lặng lẽ góc sân cho đến khi nước mắt trào mi, chị thấy một bàn tay ấm áp đặt lên đầu, một giọng nói quen thuộc: Thuận theo tự nhiên con ạ. Việc đến tùy duyên, ra đi chẳng thể cưỡng cầu, khóc chút cho nhẹ lòng rồi về đi con, nhiều khi quên đi cũng là một cách nhớ... Chị thốt ôm chầm lấy sư bà, thổn thức: “Bà ơi...”.


Theo bạn đi lễ các chùa, nhưng chị tự chấm cho mình ngôi chùa nhỏ có gốc ngọc lan già. Sau này chị hay một mình đến đây, nhất khi trong lòng có những nỗi buồn. Ở đây, chị tìm thấy được cho mình sự thanh thản trong tâm trí. Bao nhiêu va đập trong đời, bao nhiêu buồn vui, những nỗi niềm… đã được trái tim chị độ lượng cảm nhận theo một cách khác. Có những điều cố tìm quên, nay chị dám đối diện mà cảm thấy bớt nhói lòng. Có những điều nghĩ lại khiến mình bao dung hơn, biết chấp nhận hơn… Mong đến một khi nào để có thể biết buông bỏ như lời dạy nhỉ.


Ánh trăng rằm tháng Giêng có cảm giác vẫn còn như lành lạnh, nhưng dịu dàng. Mùi nhang trầm thoảng qua thật ấm.


Biết là con người với bao ái, ố, hỷ, nộ… đâu có dễ dàng mà sống thuận theo tự nhiên, nhưng…


Như gốc lan già xù xì nhưng lặng lẽ dâng cho đời những bông hoa trắng ngà, thơm đến ngọt, đêm càng khuya hương càng nồng nàn.


THỦY NGÂN