11:01, 20/01/2017

Áo mới cho ngày Tết

Không rõ việc mua sắm quần áo mới cho con trẻ vào ngày Tết bắt nguồn từ đâu và vào thời nào, nhưng cũng giống như nhiều vùng quê khác, ở quê tôi, cứ mỗi độ Tết đến, các bậc làm cha, làm mẹ dù nghèo khó, thiếu thốn đến đâu cũng cố mua cho con mình một bộ quần áo mới.

Không rõ việc mua sắm quần áo mới cho con trẻ vào ngày Tết bắt nguồn từ đâu và vào thời nào, nhưng cũng giống như nhiều vùng quê khác, ở quê tôi, cứ mỗi độ Tết đến, các bậc làm cha, làm mẹ dù nghèo khó, thiếu thốn đến đâu cũng cố mua cho con mình một bộ quần áo mới. Còn đối với con trẻ, trong mấy ngày Tết được xúng xính trong bộ quần áo còn thơm mùi vải, nô đùa với bạn bè thì không có niềm vui nào lớn bằng.


Tôi còn nhớ như in những hình ảnh ngày mình còn thơ ấu. Hồi ấy, quê tôi rất nghèo. Cuộc sống quanh năm tuy vất vả, nhưng từ tháng Mười âm lịch trở đi, nhà nhà bắt đầu nghĩ đến Tết, để dành các thứ cho Tết. Nào là chọn loại nếp tốt để dành nấu bánh tét hay rang lên làm bánh nổ, bánh in. Nào là góp tiền cùng vài nhà hàng xóm mua một chú heo choai choai về nuôi cho lớn… Nhà tôi ngày ấy con đông, nhưng nhờ mẹ tôi tằn tiện nên ngoài việc lo các thức cho ba ngày xuân, bao giờ bà cũng chuẩn bị cho mấy đứa con có quần áo mới. Có khi mẹ để dành từ mấy tháng trước qua việc bán một đàn gà hoặc vài tạ lúa…, có khi để dành cả thời gian dài từ nguồn tiền trong những lần cha tôi đi bẻ lá nón trong rừng về bán cho các nhà buôn chở về xuôi…


Thật khó diễn tả được sự háo hức trong những lần mẹ cho đi theo ra chợ để mua quần áo. Thích lắm! Bộ nào cũng mới, cũng đẹp, ướm vào người bộ nào cũng thơm mùi vải. Sau này, khi chúng tôi lớn hơn một chút, có khi Tết đến, mẹ cho chúng tôi ra tiệm may của cô Hường ở đầu chợ để may, vì đồ may sẵn có khi không vừa ý mẹ.


Khi đồ mới mang về nhà, chẳng có ngày nào mà chúng tôi không mở ra xem, có khi chỉ lấy ra mặc thử, đi tới đi lui, ngắm nghía một chút, rồi lại vuốt ve, xếp cho ngay ngắn, cất vào chiếc thùng gỗ. Những ngày giáp Tết đối với đám con trẻ chúng tôi là những ngày dài nhất. Chúng tôi tính tới, tính lui từng ngày một, trong khi người lớn ai nấy đều xuýt xoa, bảo thời gian trôi nhanh quá…


Ba mươi Tết, ở quê, là ngày rộn ràng nhất, kể từ làng trên đến xóm dưới. Tại nhà này, người ta mổ heo để chia nhau, ở nhà kia người ta lật nong xuống nền, ngồi gói bánh tét. Chỗ nào cũng nghe tiếng cười, tiếng trò chuyện râm ran. Đám trẻ con thì đứa nào đứa nấy niềm vui lộ rõ trên những khuôn mặt. Đối với gia đình tôi, vào chiều ba mươi, bao giờ mẹ cũng nấu những nồi nước lá trong đó có lá bưởi, lá ổi và những loại lá có mùi thơm hái từ bờ rào… rồi bắt chúng tôi tắm gội. Người dân quê tôi cho rằng, tắm nước lá thơm vào chiều ba mươi là cách tẩy đi mọi u ám và những điều không tốt lành để khi năm mới đến, mỗi người sẽ đón được sự may mắn. Tắm nước lá thơm xong, cơ thể đứa nào cũng thơm lừng. Đến sáng mùng Một, thức dậy, tóc vẫn còn thơm, và không đợi ai nhắc ai, chúng tôi, lớn nhỏ đều lấy ngay bộ đồ mới mẹ mua cho mình ra để mặc.


Dường như người lớn không để ý, nhưng đối với đám con trẻ chúng tôi ngày ấy, mỗi khi được ai khen bộ quần áo mình đang mặc thì thích lắm. Chúng tôi chạy khắp làng, khắp xóm, rồi tập trung về phía đình làng, nơi diễn ra bao nhiêu trò chơi. Với chúng tôi, bộ đồ mới ngày Tết như một niềm kiêu hãnh…


Bao năm đã đi qua, chiều Chủ nhật vừa rồi ra chợ Xóm Mới, thấy một cậu bé mắt tròn xoe đứng cạnh mẹ bên một quầy bán quần áo, hình ảnh những bộ đồ mới cho ngày Tết được mẹ mua năm nào bất chợt hiện về làm lòng bỗng bồi hồi. Càng bồi hồi hơn khi ở nhà ai gần đó, có tiếng nhạc cất lên trong veo: Tết Tết Tết Tết đến rồi! Tết Tết Tết Tết đến rồi! Tết Tết Tết Tết đến rồi! Tết đến trong tim mọi người…


HOÀNG ANH