10:11, 04/11/2016

Chiều bến sông…

Mùa mưa, con sông Cái hiền hòa giờ nước cuồn cuộn đỏ, hối hả lao về biển. Suốt dọc bờ sông, lên đến tận cầu đường sắt mới thấy con sông có nguyên một bên bờ san sát nhà hàng, quán nhậu. Mùa mưa, hàng quán cũng co ro chờ khách, chiều mưa càng thấm buồn.

Mùa mưa, con sông Cái hiền hòa giờ nước cuồn cuộn đỏ, hối hả lao về biển. Suốt dọc bờ sông, lên đến tận cầu đường sắt mới thấy con sông có nguyên một bên bờ san sát nhà hàng, quán nhậu. Mùa mưa, hàng quán cũng co ro chờ khách, chiều mưa càng thấm buồn. Ngồi bên rặng tre sũng nước sà bóng xuống dòng sông, cứ cắc cớ trong lòng hỏi có ai đang nhớ về dòng sông tuổi thơ, những ngày lén cha buổi trưa rủ nhau xuống lội đến tím tái người? Để dòng sông ấy cứ theo bước chân mưu sinh mà nhớ mãi.


Với rất nhiều người trong lòng luôn có một dòng sông, bến nước. Nếu không lớn lên trong ngôi làng bên kia sông với xanh mướt đôi bờ bắp, hoa cải vàng như cổ tích thì cũng có thể lớn lên trong một thị tứ hay thành phố soi mình bên dòng sông. Tư duy “nhất cận thị, nhị cận giang” là tư duy chung của cả nhân loại, nơi nào có sông, nơi ấy có cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền, để rồi dần hình thành nên phố. Có thành phố nào trên đất nước mình mà không có một dòng sông chảy qua? Có thành phố nào mà không gắn với một dòng sông?

 

Ảnh “Ngày mới trên sông” của tác giả Ngô Thanh Minh
Ảnh “Ngày mới trên sông” của tác giả Ngô Thanh Minh


Có lẽ là như vậy nên mới hiểu vì sao đứng trước cảnh sông, con người hay hoài niệm về quê hương, dẫu chưa chắc đã sinh ra bên một dòng sông. Sóng nước vì sao hay gợi cho ai những tâm sự man mác. Không ai cắt nghĩa rành mạch được, nhưng có sao, nơi góc tâm hồn luôn trú ngụ những tâm tư riêng, theo một cảm hứng riêng chả đòi hỏi ai phải cắt nghĩa, như ngàn năm trước nhà thơ Thôi Hiệu trên lầu Hoàng Hạc đã để lại cho hậu thế tâm sự khi ngắm sông: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn; trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”. Có thể quê ông không phải bên bờ sông cụ thể nào, chỉ biết ở phía hoàng hôn rất mơ hồ, nhưng sóng nước trường giang lay động tâm can thi sĩ…


Hình như trước cảnh sông nước mênh mông, lòng người dễ chùng xuống. “Sông cũng như người ấy, có khi vui buồn, có khi hờn ghen, chỉ tình yêu tuổi thơ mới thấy…”. Người nhạc sĩ nặng tình với quê hương, đã đi bao nơi, ở bao nhiêu quê, tắm bao con sông những vẫn nhớ về dòng sông tuổi thơ như nhớ về người thương thuở ấy. Dẫu có xa nhau nhưng đâu thể xa lòng, để thấy sông buồn, vui, hờn ghen cho trọn lòng thương nhớ. Mà lạ, hình như bài ca nào gắn bó với dòng sông cũng luôn làm day dứt lòng người. Có lẽ nào dòng sông như dòng chảy thời gian, nối liền quá khứ với hiện tại?


Nhớ ngày nào trên bến Ninh Kiều, ngồi đếm giọt cà phê rơi, ngắm những cụm lục bình lững lờ theo dòng nước, tưởng như thấy bước chân của tiền nhân cặp theo bờ sông trong hành trình khẩn hoang. Bến sông vắng, chỉ thấy hút xa những chiếc xuồng hối hả, có phải chăng ngày xưa trong sông nước mênh mang, những người đi mở cõi đã bật ra tự đáy lòng điệu hò phương Nam? Mơ hồ đâu đây như thấy giọng của Đình Văn: “Về bến Ninh Kiều thấy nàng gặp người yêu…”. Người phương Nam hào sảng, người phương Nam đa tình. Để bây giờ trên sông nhộn nhịp những đờn ca tài tử, những câu vọng cổ ngọt đến nao lòng. Ngọt ngào, nhưng không thể say bởi giọng hát dịch vụ, bởi những bài hát trong chương trình được tính tiền theo giờ… Cảm giác như trong lòng đang thiếu đi nỗi nhớ.


Dòng sông có như đời người, “sông có khúc, người có lúc”? Dẫu trong lòng bao buồn vui, thương nhớ thì cuối cùng vẫn vùi kín dưới dòng mà lặng lờ bươn bả về phía trước, dẫu quá khứ ngọt ngào hơn, quá khứ đắng cay hơn không thể sẻ chia.


Thủy Ngân