Cuối tuần, vào quán cà phê nhìn thấy cành hoa lau khô trang trí trên vách tường, trong lòng chợt ùa về những ký ức tuổi thơ. Ở vùng trung du miền Trung quê tôi, bây giờ hoa lau đã bung trắng sườn đồi. Trong hơi thu hiu hắt, màu lau trắng như mái tóc của mẹ một đời cơ cực, ....
Cuối tuần, vào quán cà phê nhìn thấy cành hoa lau khô trang trí trên vách tường, trong lòng chợt ùa về những ký ức tuổi thơ. Ở vùng trung du miền Trung quê tôi, bây giờ hoa lau đã bung trắng sườn đồi. Trong hơi thu hiu hắt, màu lau trắng như mái tóc của mẹ một đời cơ cực, vương vất buồn như làn khói thuốc của cha ngồi bên hiên nhà ngóng con từng ngày!
Hoa lau! Mỗi lần thấy màu trắng bàng bạc ấy lòng lại trào dâng nỗi buồn của sự chia ly, chơi vơi những bông lau lay động như cánh tay vẫy chào tiễn đưa ta ngày xa quê đi lập nghiệp. Hoa vô tình nhưng người hữu ý, từ ngàn năm trước thơ văn cũng đã chọn cái thân gầy mong manh hiu hắt, cái sắc trắng ám ảnh của lau để diễn tả nỗi cô đơn sắc lạnh! Chẳng phải xưa kia Bạch Cư Dị đã chia tay người bạn tâm giao trong đêm trăng tuyệt đẹp, giữa làn gió lạnh lay động bờ lau đó sao - “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách/Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu”. Và khúc sông lau lách đìu hiu ấy là chứng nhân cho cuộc tao ngộ của thi nhân với người kỹ nữ tài hoa bạc mệnh, để rồi đời sau biết đến một Tỳ bà hành trác tuyệt. Mấy trăm năm sau, thi hào Nguyễn Du cũng đã dùng sắc trắng hoa lau để diễn tả nỗi chia ly hiu quạnh của Thúy Kiều giữa dòng đời lưu lạc: “Vi lô san sát hơi may/Một trời thu để riêng ai một người” (theo Từ điển Truyện Kiều của Ðào Duy Anh: vi lô là cỏ lau)! Và còn biết bao nhiêu nữa áng văn đầy nỗi niềm về lau. Dường như hoa lau có mặt ở trên đời là để chia sẻ với con người về một thế giới tinh thần thăm thẳm. Sự im lặng của hoa là giao cảm lớn nhất an ủi tâm hồn con người trước mỗi cuộc chia ly.
Hoa lau! Mỏng manh nhưng đầy kiêu hãnh! Từ ngàn đời nay, từ đầu nguồn cho đến cuối bãi, mặc cho mưa gió cỏ lau vẫn hiên ngang đứng trong trời đất, vươn mình đón những làn gió đông khắc nghiệt. Giống như người Việt nhỏ bé nhưng không chịu khuất phục trước một thế lực thù địch nào. Ngược dòng lịch sử, lau lách còn gắn với những trang sử vàng của dân tộc. Chẳng phải xưa Triệu Quang Phục chọn đầm Dạ Trạch nhiều lau lách để làm căn cứ khởi nghĩa chống lại nhà Lương (Trung Quốc); Nguyễn Thiện Thuật với khởi nghĩa Bãi Sậy trong phong trào Cần Vương chống Pháp. Đầm Dạ Trạch, Bãi Sậy um tùm lau sậy phù hợp với cách đánh du kích, đã trở thành tử địa của quân thù. Lau lách còn gắn với tích chuyện “lấy bông lau làm cờ” của Đinh Bộ Lĩnh. Phải chăng, chính ngọn cờ lau của tuổi thơ đã góp phần nuôi dưỡng ý chí, khát vọng để rồi khi lớn lên mới có Đinh Tiên Hoàng - thống nhất loạn 12 sứ quân, lập nên nước Đại Cồ Việt lừng lẫy về sau?!
Hoa lau! Tôi đã bao lần đứng ngẩn ngơ khi bắt gặp sắc lau trắng kỳ ảo của hoa trên những núi đồi của vùng đất “Bình Trị Thiên khói lửa”. Suốt mấy trăm năm chiến tranh giặc giã, không ít người đã nằm lại với núi đồi, suối khe. Và trên khắp nước Việt này, với mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, còn biết bao người đã nằm lại với núi đồi, đồng bãi hóa thân mình vào đất mẹ chưa một lần được về quê hương. Giữa trời đất hoang vu lộng gió, nhìn ngàn vạn bông lau bung trắng chạy dài theo sườn đồi mà ngỡ như bà mẹ thiên nhiên đang tiễn đưa, tưởng nhớ những người con đã khuất! Có điều gì giản dị mà thiêng liêng hơn thế!
Hoa lau! Một gạch nối ngẫu nhiên thú vị cho những ai trót mê đắm loài cây - hoa dại này. Nha Trang cũng gắn bó với lau lách. Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên Nha Trang bắt nguồn từ tiếng Chăm là Ea Tran hay Yja Tran (Ea hay Yja là sông, Tran là lau lách). Gọi như vậy là vì xưa kia, lau lách mọc đầy hai bên bờ sông Cái đổ ra cửa biển Cù Huân. Lâu dần nó được gọi chệch thành Nha Trang. Tên sông sau thành tên đất, đó cũng là chuyện thường xưa nay. “Thương hải biến vi tang điền”, Nha Trang bây giờ phố sá sầm uất, nhà lầu ra sát bờ sông, bởi vậy mà lau lách chỉ còn trong hoài niệm!
X.T