Ngày ấy, trẻ con không giống như bây giờ. Học sinh, đa phần học một buổi, một buổi về nhà phụ gia đình như: chăn bò, chăn vịt, mò cua bắt ốc…
Ngày ấy, trẻ con không giống như bây giờ. Học sinh, đa phần học một buổi, một buổi về nhà phụ gia đình như: chăn bò, chăn vịt, mò cua bắt ốc… Trẻ con buổi sáng đi học thường nhịn đói, hoặc ăn cơm nguội, nào có tiền ăn quà vặt. Thỉnh thoảng, cha mẹ có cho vài đồng lẻ, nhưng cũng chẳng dám mua thứ gì, chỉ để dành mua sách vở.
Có món ăn vặt tuy đơn giản, trẻ con bây giờ không thích ăn, nhưng lại ở mãi trong lòng tôi theo năm tháng. Đó là món kẹo kéo. Người bán thường là ông già, mặc chiếc áo bạc màu cũ kỹ, lom khom đạp xe đạp, chở thùng kẹo kéo đi khắp thôn xóm. Trên xe, ông có gắn cái chuông kêu leng keng leng keng, nghe rất vui tai. Mỗi lần ông đạp xe đi đến đâu, cả xóm rộn ràng theo đến đó. Lũ trẻ con thế nào cũng năn nỉ xin tiền cha mẹ để mua cây kẹo. Một đứa mua, năm bảy đứa thèm, vây quanh xin một miếng! Cây kẹo kéo ông gắn đằng sau xe rất to, có bọc nhựa bóng trắng gọn gàng, tránh bụi. Mỗi khi có người mua, ông dừng xe lại, mở bị bóng ra. Ông kéo cây kẹo to, nhỏ tùy theo ý mình thích, không quy chuẩn gì cả. Thông thường, ông kéo cây kẹo to bằng ngón út, dài gần gang tay. Song có những buổi chiều mưa, muốn về nhà nghỉ ngơi sớm, ông kéo cây kẹo to đùng, ăn thật đã miệng!
Ngoài đạp xe đi bán dạo ở thôn xóm, ông kẹo kéo thường bán ở trường học, lúc học sinh ra chơi hoặc khi ra về. Ông thường đến trường trước 5 - 10 phút, chờ dưới gốc cây bàng hoặc cây phượng. Thỉnh thoảng, ông lắc cái chuông kêu leng keng, báo hiệu cho học sinh biết chỗ ông đứng. Có một bận, tan trường, tôi mua kẹo kéo của ông. Chẳng biết ông vội việc gì, có thể ông mệt muốn về sớm nên bán tôi cây kẹo kéo rất to. Vừa cắp cặp đi bộ về nhà, vừa ăn, thật ngon làm sao! Về sau này, mỗi lần đi đâu gặp ông, tôi đều lễ phép chắp tay trước ngực: “Cháu chào bác!”. Ông cười hiền: “Cảm ơn cháu!”. Có lẽ ông có đôi chút tự hào về cái nghề của mình.
Bây giờ, cuộc sống thay đổi. Hình ảnh ông già lom khom đạp xe bán kẹo kéo kêu leng keng khắp xóm làng không còn nữa. Thay vào đó, ở thành phố, người ta cũng bán kẹo kéo nhưng với hình thức khác: những đôi thanh niên nam nữ đi xe máy, chở cặp loa thùng đến quán nhậu, chốn đông người. Một người uốn éo hát, một người cầm cây kẹo kéo bé tẹo đóng gói sẵn, đến từng bàn nài nỉ khách mua. Nhiều người xua tay, nhưng cũng có người mua 1 - 2 cây cho khỏi phiền hà, rồi để lại quán... Nhìn hình ảnh đó, chợt nhớ đến ông già bán kẹo kéo hiền từ ngày xưa, bỗng dưng trong lòng thoáng ngậm ngùi.
LÊ ĐỨC QUANG