11:12, 04/12/2015

Cha tôi và chiếc xe đạp

Chiều qua, trời mưa tầm tã. Đi trên đường Lê Thánh Tôn, trước cổng Trường Tiểu học Phước Tiến, Nha Trang, tôi nhìn thấy một người đàn ông thân hình gầy guộc khoác chiếc áo mưa mỏng đứng bên chiếc xe đạp chờ con tan học.

Chiều qua, trời mưa tầm tã. Đi trên đường Lê Thánh Tôn, trước cổng Trường Tiểu học Phước Tiến, Nha Trang, tôi nhìn thấy một người đàn ông thân hình gầy guộc khoác chiếc áo mưa mỏng đứng bên chiếc xe đạp chờ con tan học. Người cha ấy có nét giống cha tôi cách đây gần nửa thế kỷ, từng gầy tong teo sau những cơn sốt rét ở chiến trường và từng chịu ảnh hưởng của chất độc da cam. Khi rời quân ngũ, cha muốn bù đắp tình cảm thiếu thốn sau những ngày xa vợ con nên thương vợ con hết mực, làm đủ mọi công việc. Hình ảnh của ba và chiếc xe đạp đã in sâu vào tâm khảm mỗi chị em chúng tôi.


Ở miền Bắc trước giải phóng (1975), xe đạp được gắn biển số như xe máy bây giờ. Chiếc xe đạp trở thành vật có giá trị lớn trong tài sản của gia đình. Trừ những ngày đi công tác xa nhà, hàng ngày ba đều đạp xe chở chị em tôi đến trường. Trường cách nhà mấy km nhưng ông vẫn đưa đón chúng tôi đều đặn. Ba cũng từng đạp xe mấy chục km, chở chị tôi đi thi đại học; từng cầm gói xôi đợi tôi mấy tiếng đồng hồ đến khi tôi tan học để ăn cho đỡ đói. Những ngày miền Bắc bị đánh bom ác liệt từ năm 1968 đến 1972, cuối mỗi tuần, ba má đi xe đạp hơn 100km (mỗi vòng) đến nơi sơ tán để mang thêm thức ăn cho các con. Gặp những đoạn đường lầy lội, không thể đi được, ba phải vác xe đạp trên vai. Đoạn nào ít lầy hơn thì dừng lại, lấy cái cây mang theo, gạt bùn trên garde-boue (phần trên của lốp xe) rồi mới đi tiếp.


Sau ngày giải phóng, chiếc xe đạp ấy được mang vào miền Nam. Cứ mỗi khi mùa thi đến, ba lại đạp xe ra bến xe đón những thí sinh chưa có nhà trọ về nhà mình ở. Ba nói với má: “Mấy cháu này như con của mình, chúng đi thi nhưng không có tiền thuê nhà, ở vất vưởng ngoài bến xe, tội quá. Bà cho chúng ở và nấu cho chúng ăn nhé!”. Nhà tôi mỗi lần như vậy nuôi cả chục học sinh không hề quen biết đến Nha Trang thi. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, lúc ấy ba đã nghỉ hưu, vậy nhưng ông vẫn đạp xe chở từng bao cám về nuôi gà, từng bao bột sắn (bột củ mì) về nuôi heo. Thời bao cấp mua củi bằng tem phiếu, ba phải đi sớm lựa những khúc củi dễ chẻ hơn để chất lên xe đạp chở về. Củi thiếu, ba đến chỗ có máy xay lúa mua và chở từng bao chấu về nấu.


Khi tôi tốt nghiệp đại học, đưa bạn trai về nhà, ngỏ ý giới thiệu với gia đình xin kết hôn, ba chẳng nói lời nào. Sau khi ông hỏi hoàn cảnh gia đình, cha mẹ, anh chị em và cuộc sống của bạn trai tôi, ba đã nói nhỏ với má, rồi vắng nhà mấy ngày. Sau này tôi mới biết, ba đã đi xe đò mấy trăm km, rồi đi xe đạp gần 40km đến tận nhà bạn trai tôi để kiểm tra lý lịch xem anh ấy đã có vợ chưa? Nhà cửa, cha mẹ ra sao? Ông bảo: “Con gái khổ lắm, lấy phải người chồng không đàng hoàng, cực cả một đời”. Ông sợ con gái mình khổ nên phải làm như vậy. Sau khi đi “thực tế” về, ba má tôi mới gật đầu đồng ý.


Ba tôi mất sau gần 3 tháng phát hiện ra bệnh ung thư gan và tiểu đường. Bác sĩ bảo, ba bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học khi tham gia trong phái đoàn 4 bên của ta trao trả tù binh giữa ta và địch ở bờ Bắc sông Thạch Hãn, Quảng Trị năm 1973. Chiếc xe đạp ba tôi đi ngày ấy rất tiếc không còn nữa vì quá cũ. Nhưng đức tính bao dung, nhân ái, giàu tình cảm và đầy nghị lực của ba thì chúng tôi suốt đời không bao giờ quên.


ANH NGỌC