11:11, 27/11/2015

Thói quen của mẹ

Mẹ thích nhóm lửa đun nước hay nồi cá kho nhừ trên bếp than cả giờ đồng hồ, ăn cả tuần, mặc cho các con chẳng ủng hộ vì sức nóng hừng hực của lò than và làm bẩn cả một góc sân. Mẹ thích ăn cơm sáng với cá kho, muối mè, bắp luộc hay xôi...,

Mẹ thích nhóm lửa đun nước hay nồi cá kho nhừ trên bếp than cả giờ đồng hồ, ăn cả tuần, mặc cho các con chẳng ủng hộ vì sức nóng hừng hực của lò than và làm bẩn cả một góc sân. Mẹ thích ăn cơm sáng với cá kho, muối mè, bắp luộc hay xôi..., toàn những thứ đạm bạc. Mẹ thích cất giữ những đồ vật, quần áo cũ mèm, có thứ đến vài chục năm và chất chật ních trong những chiếc tủ gỗ cũng xù sì bạc phếch vì màu thời gian.

 


Mẹ thích để dành mọi thứ, từ mảnh vải được tặng mười mấy năm trước, hay những bộ quần áo, hộp sâm... các con may và mua cho. Mẹ thích thứ gì rẻ là được, cho dù các con mỏi lời nói rằng mẹ chẳng phải làm như thế, cứ hưởng thụ cuộc sống của những ngày xế bóng. Mẹ thích để dành phần cho con những món ăn ngon, nhận về phần mình những thứ đạm bạc và còn nói rằng so với thời trước, giờ đã sang lắm rồi, cho dù lắm lúc tấm lòng ấy của mẹ rồi cũng bị cất vào tủ lạnh đến hôm sau vì những buổi tiệc tùng ngoài quán của những đứa con.


Mẹ hay nghĩ ngợi loanh quanh với những nỗi lo không tên đối với mấy đứa con, dù chúng đã gả chồng gả vợ, tay bồng tay bế. Mẹ lo cho cả những đứa em trai nay đã lên chức ông bà, những đứa cháu vốn được bảo bọc trong những đủ đầy. Những nỗi lo đôi khi thừa thãi khiến con, cháu cũng phải cáu gắt lên...
Để rồi, ngày tháng trôi qua, mẹ chẳng thể sửa cái tính hay để dành ấy, cùng những sở thích, thói quen đôi khi gây ra tranh cãi bởi những khoảng cách thế hệ.


Mọi thứ cứ trôi đi như thế cho đến một buổi tối ngồi xem lại bộ phim Hàn “Nàng Dae Jang Geum”, trả lời câu hỏi của cô nhân vật chính trong phim đố rằng: “Người này giống như một nô tì làm tất cả mọi việc trong nhà nhưng lại là người thầy của tất cả mọi người. Khi người này sống là ngọn núi Thái Sơn; khi người này chết được chôn bằng biển nước của toàn dân thiên hạ”. Câu đố trong phim được để ngỏ, nhưng tôi đã có câu trả lời cho câu hỏi của riêng mình.


Mẹ tằn tiện ư? Hay đó là cuộc sống lam lũ ngày xưa đã hằn sâu trong nếp nghĩ của mẹ, hình thành nên tính cách của mẹ, giản dị và coi như thế đã là quá đủ đầy. Cái thời đẩy thuyền lội sông cắt lúa, lên rừng đốn củi cách nhà vài chục cây số. Cái thời bom bi ầm ào dội xuống, để lại những hố bom sau lưng chỉ vài bước chạy. Đó còn là nỗi nhớ con không nén lòng được, phải đạp xe cả trăm cây số từ chỗ học về quê thăm con được nửa ngày rồi lại lóp ngóp đạp lên; là cuộc sống với toàn rau má với su hào hay bo bo thay cơm gạo; là cuộc đời đầy những gánh nặng lo toan ngay cả khi các con đã trưởng thành.


Mẹ chăm bẵm lo cho các con, các em như trẻ nhỏ, bởi đối với mẹ, những đứa con, đứa em ấy dù lớn đến đâu, trưởng thành đến đâu cũng đều bé nhỏ và cần được chở che.


Mẹ luôn nhắc đến chuyện ngày xưa, luôn muốn giữ lại mọi vật trong nhà cho dù có sét gỉ hay ố vàng vì đó là những kỷ vật vô giá gắn với mọi sự kiện, dấu ấn trong cuộc đời mẹ. Như chiếc xe đạp cũ là kỷ vật bố tặng mẹ ngày đi miền Nam về, giá thời ấy bằng cả mấy cây vàng. Hay chiếc tủ gỗ mà mấy chục năm trước là nơi trú của mẹ và em gái út mới sinh trong ngày lũ lụt nước dâng đến ngang hông, heo được lên giường, còn người thì leo lên nóc tủ...; là cái thau nhôm Liên Xô mẹ có thể nhớ chính xác số tuổi của nó bằng tuổi đứa này, đứa nọ...


Mẹ không quên và cũng không muốn quên, vì đó là một phần của cuộc đời mẹ, những mảnh ghép lắp nên cuộc đời mẹ.  


Vậy cũng chẳng cần thiết để sửa những đức tính, thói quen ấy, bởi tôi đã quen với chúng trong suốt cuộc đời có mẹ bên cạnh.


B.T