Đầu tuần, tôi cùng đồng nghiệp đi mua ít sách để tặng trẻ em miền núi. Đang chăm chú chọn sách, bỗng nghe có tiếng lọc cọc. Nhìn ra phía cửa, tôi bắt gặp người đàn ông tuổi ngoài sáu mươi, tóc muối tiêu chống nạng đi vào.
Đầu tuần, tôi cùng đồng nghiệp đi mua ít sách để tặng trẻ em miền núi. Đang chăm chú chọn sách, bỗng nghe có tiếng lọc cọc. Nhìn ra phía cửa, tôi bắt gặp người đàn ông tuổi ngoài sáu mươi, tóc muối tiêu chống nạng đi vào. Sau câu chào, ông hỏi nhân viên mua cuốn sách “Hướng dẫn giải toán violympic lớp 4”. Chọn xong vài cuốn sách cho việc học, ông lấy tiếp mấy cuốn “Nghìn lẻ một đêm”, “Truyện cổ tích Việt Nam”... Bắt chuyện, ông cho biết đi mua sách cho cháu ngoại. “Bây giờ xã hội phức tạp lắm! Mọi giá trị đảo lộn cả lên, chú ạ”, ông nói trước lúc ra về như muốn phân bua việc chọn mua sách cổ tích cho đứa cháu. Hỏi chuyện, cô nhân viên nhà sách cho biết, tháng nào ông cũng đi mua sách cho cháu, khi thì truyện cổ tích, những tấm gương hiếu thảo, khi thì sách kỹ năng sống.
Ảnh: Trần Minh Ngọc |
Nhìn ông già tật nguyền bỗng nhớ ngày còn nhỏ, lũ trẻ chúng tôi vẫn thường sang nhà bà cụ hàng xóm chơi. Sống trong căn nhà tranh vách đất, cụ bà rất vui khi có trẻ con vui vầy nên vẫn thường bỏm bẻm nhai trầu, phe phẩy chiếc quạt mo và kể cho chúng tôi nghe chuyện cổ tích. Bà kể chuyện Thạch Sanh hiệp nghĩa trượng phu nhưng kết nghĩa nhầm Lý Thông gian ác, chuyện cô Tấm dịu hiền nhờ có ông Bụt thương nên bao lần vượt qua kiếp nạn có kết cục tốt đẹp, rồi cô bé lọ lem khốn khổ nhờ có bà tiên dịu hiền mà được sánh vai cùng hoàng tử hưởng hạnh phúc suốt đời... Nhiều lần thấy bà đem gạo cho những người ăn xin đi ngang qua nhà, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi nhà bà nào đâu có khá giả. Hỏi chuyện, bà hiền từ bảo, con người phải có tình yêu thương, phải biết chia sẻ với những người khó khăn. Bà nghèo khó nhưng còn có cả gia đình, còn với những người ăn xin lang thang kia họ nhỏ bé, cô đơn và khốn khổ.
Tôi không biết ông già tật nguyền ấy là thương binh từng có quá khứ chiến đấu hào hùng hay đơn giản chỉ là nạn nhân của một tai nạn nào đấy. Tôi không biết đứa cháu của người đàn ông chống nạng đó học ở trường nào, đẹp xấu ra sao... Nhưng tôi tin và hy vọng đứa cháu của ông rồi sẽ là người tốt, bởi như người xưa từng nói “gieo nhân nào, gặt quả ấy”!
THÀNH NGUYỄN