11:11, 17/11/2015

Miếng bánh tuổi thơ

Hồi nhỏ, ở quê, tôi thấy nhà ông Trãi nghèo nhất xóm. Ngày hai buổi đi làm, với tính tình hiền lành, chăm chỉ, ông lại có tay nghề "đa năng" nên ai nhờ gì làm nấy, cả ngày vất vả có khi cũng chỉ được trả công bằng 5 lon gạo hoặc ít ký khoai lang, củ mì.

Hồi nhỏ, ở quê, tôi thấy nhà ông Trãi nghèo nhất xóm. Ngày hai buổi đi làm, với tính tình hiền lành, chăm chỉ, ông lại có tay nghề “đa năng” nên ai nhờ gì làm nấy, cả ngày vất vả có khi cũng chỉ được trả công bằng 5 lon gạo hoặc ít ký khoai lang, củ mì. Vợ anh, chị Hải mắt kèm nhèm, lại thêm bị bệnh khớp gối nên chỉ quanh quẩn trong nhà, ngoài bếp.


Trong xóm, ai cũng nói nhà ấy sống phúc hậu, ăn ở biết xóm giềng, nuôi dạy con cái ngoan ngoãn nhưng nghèo khổ quá, thỉnh thoảng đem rá đi vay gạo, tuy thương nhưng nhiều khi bà con chẳng có gì giúp nhiều, bởi thời ấy ai cũng nghèo cả. Có Tết, vào lúc giao thừa, cả làng nổ ran tiếng pháo, nhìn lên đồi, ngôi nhà tranh khuất trong vườn mít của anh im lìm không đèn đóm, nghĩa là năm đó cả nhà không có Tết.


Cùng tuổi với tôi, con Bê nhà ấy có nước da bánh mật, hai má có hai hạt gạo duyên dáng, tóc lúc nào cũng cột túm sau gáy như nhánh cỏ. Mỗi lần ra chợ bán bánh, đi trên đường, thỉnh thoảng nó cũng lắc lắc cái đầu cho bím tóc tung tẩy. Ở chợ Xổm, Bê bán một thứ bánh “độc quyền” không ai làm đó là bánh gạo lá mít. Bánh này làm bằng bột gạo đỏ, ngày nay người ta thường gọi là gạo lức. Loại gạo đỏ này được trồng trong mấy thửa ruộng gần con kênh nước lợ, năng suất rất thấp nhưng chịu được sâu bệnh, gạo thì rất khó nấu thành cơm, hễ cơm để nguội là khô cứng. Thế nhưng cái bánh gạo đỏ của nhà nó làm ra nhiều người lại hay mua, phần thì thương nó tảo tần giúp cha mẹ nuôi em, phần có vị ngon riêng khó tả. Có lần hỏi, Bê cười nói làm bánh này dễ thôi, lấy gạo đỏ xay nhuyễn với nước đun sôi để nguội, ủ kín một ngày một đêm; lấy đậu đỏ hầm chín, đem ra cối đá quết thật nhuyễn, sau đó phi với hành mỡ để làm nhân. Canh bốn, Bê dậy sớm đem bột ra nặn, cho nhân vào trong và vo tròn thành từng cái như kiểu làm bánh ít, to cỡ miệng ly uống trà, sau nó đặt từng cái lên từng chiếc lá mít rồi xếp vào nồi hông như hấp cách thủy.


Nhìn cái bánh tròn trịa, màu đỏ gạo lức, khô cứng nằm trên lá mít xanh ăn không mềm, không dẻo, nhưng lạ thay bánh này để càng nguội ăn càng ngon. Ăn chậm, nhai kỹ từng miếng nhỏ mới cảm nhận hết được vị bùi bùi, beo béo, thơm thơm của bột gạo lức, đậu đỏ, hành tăm, mỡ heo, thoảng một chút vị chát nhẹ của lá mít tươi, thật riêng biệt.


Hồi đó, Tết nào bà tôi cũng đặt hàng con Bê làm mấy chục cặp bánh gạo đỏ chưng lên bàn thờ cúng ông nội tôi. Bà nói, xưa ông rất thích ăn món này.


Xa quê, sống nơi đất khách, mỗi khi gặp nhau ai cũng vồn vã chào hỏi và không quên hỏi thăm thứ bánh gạo đỏ lá mít ở chợ có còn bán không, nhà con Bê hết khổ chưa. Thì ra ẩn náu sâu xa trong cái ngon của bánh nằm ở sự bình dị chân chất như tâm hồn quê kiểng, coi trọng sự hiền lành, hiếu nghĩa của con người chứ không phải miếng ăn.


PHÙNG NGUYỄN