Hồi đó, nhiều đứa cùng lứa tuổi chơi với tôi đều nói vống rằng không sợ ma, nhưng chỉ có một người mà đứa nào cũng nói sợ, đó là ông Vưu cắt tóc trong làng.
Hồi đó, nhiều đứa cùng lứa tuổi chơi với tôi đều nói vống rằng không sợ ma, nhưng chỉ có một người mà đứa nào cũng nói sợ, đó là ông Vưu cắt tóc trong làng.
Cả làng chỉ có một quán cắt tóc nhỏ lợp mái tranh, che phên nứa của ông Vưu bên sườn đồi. Những lúc gió từ sông thổi vào mạnh, cửa liếp đập lách cách thì ông lấy sợi dây dừa buộc chặt lại. Người lớn, trẻ con trong làng khi đến đó đều phải gọi cửa để ông mở. Ông ít nói, ít cười, khi đã nói thì nói nhát gừng, hay dọa đùa trẻ con nên đứa nào cũng sợ khi bị người nhà bắt ra đó cắt tóc.
Những lần dẫn tôi ra đó cắt tóc, lần nào cũng vậy, ba tôi chỉ đứng trước cửa quán nói với vào “cứ đờ-mi-cua cho nó như mọi khi ông nhé” rồi đến cơ quan làm việc, để tôi ở lại quán. Nhớ mãi hôm đó, ông Vưu mặc quần soọc màu cháo lòng, áo may ô cũ thủng vài chỗ, hé cửa liếp, lừ mắt nhìn tôi từ trên xuống dưới rồi chỉ vào chiếc ghế gỗ, quát “leo lên”. Khi tông-đơ đang lùa xoẹt, xoẹt trên đầu, tôi hé mắt nhìn lên, ông cú khẽ vào đầu tôi nói “nhìn thẳng”. Được một lúc, ông hỏi “học xếp thứ mấy”, tôi trả lời “dạ, 32”, ông hỏi tiếp “sĩ số”, tôi đáp “dạ, 43”, lúc đó ông nghiêm mặt, dằn giọng “dốt”. Lát sau, ông bắt tôi đọc bảng cửu chương, tôi run rẩy, lí nhí đọc quên trước quên sau, ông nói “tốn cơm cha mẹ”, rồi từ đó không thấy hỏi thêm gì. Đến khi ông liếc cây dao cạo xoẹt xoẹt vào sợi thắt lưng da dùng cho nhà binh Pháp mòn vẹt thì tôi phát hoảng, cựa quậy không yên, ông lừ mắt nói “ngồi yên, xẻo tai bây giờ”. Tôi gồng người ngồi im thin thít cho đến lúc ông tháo cái khăn choàng, rũ tóc vụn soàn soạt ra cửa liếp, quay lại quát “xong, xuống”, tôi lật đật chạy ra khỏi quán, phóng như bay về nhà học lại bảng cửu chương.
Thời gian trôi qua, mấy chục năm sau đất nước đổi mới, làng tôi thành phố thị, quán cắt tóc máy lạnh, quán cắt tóc thanh nữ ra đời với biển hiệu lòe loẹt, đèn trang trí xanh đỏ treo san sát trên mặt phố. Quán tranh tre nứa lá của ông Vưu ở sườn đồi thưa dần khách.
Hình bóng ông thợ cắt tóc của làng theo tôi đi tứ xứ, trở thành một kỷ niệm vui thời tuổi thơ.
Cách đây mấy hôm, ngồi uống cà phê bên vỉa hè, gặp cậu trai trẻ đồng hương cùng làng, tôi hỏi, cậu ta nói ông Vưu mất vì bệnh lâu rồi, cuối đời vẫn cắt tóc, vẫn khổ. Tự dưng lòng tôi trào lên cảm xúc, thương ông quá chừng.
NGUYỄN PHÙNG