Cuộc sống là một dòng chảy của những lo toan vất vả vì chén cơm manh áo. Để rồi có những đôi vai sạm nắng, những bàn tay chai sần, những đôi chân mòn mỏi... Tất cả cũng chỉ vì tổ ấm thân yêu của mình.
Cuộc sống là một dòng chảy của những lo toan vất vả vì chén cơm manh áo. Để rồi có những đôi vai sạm nắng, những bàn tay chai sần, những đôi chân mòn mỏi... Tất cả cũng chỉ vì tổ ấm thân yêu của mình. Và ở đó, có một mùi vị rất đỗi thân quen luôn gắn liền và quanh quẩn mà tôi vẫn hay gọi đó là mùi lam lũ của những con người đang bươn chải giữa đời thường.
Ảnh minh họa |
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng thôn quê. Tuổi nhỏ, tôi được chứng kiến biết bao gian truân, vất vả của mẹ, của cha và cả những người hàng xóm. Những hôm trời nắng gay gắt, đám con nít thích lông nhông nơi những bóng cây để vui chơi những trò trẻ nhỏ, nhưng ngoài kia, tôi vẫn thấy đôi vai của mẹ đang kẽo kẹt nặng nề. Hôm thì gánh xôi, hôm gánh chè, bánh canh, bánh lọt... Tiếng rao của mẹ hòa cùng những giọt mồ hôi ướt đẫm giữa trời nắng chang chang. Còn cha thì cứ cây cuốc, cây leng trên vai mà ra đồng, ra rẫy. Cha cứ dốc hết sức mình cùng liếp cà, thửa khoai. Nhiều khi lại ngồi cạnh bên cha, tôi thấy toàn thân cha ướt đẫm mồ hôi. Chính những giọt mồ hôi mặn đắng ấy đã nuôi tôi khôn lớn với đời.
Khi cuộc sống còn nhiều vất vả thì những giọt mồ hôi càng ướt đẫm nhiều hơn. Nghĩ lại mà chạnh lòng thương cha mẹ cũng một thời gian nan cực nhọc vì những đứa con thơ.
Ngày nối ngày đi qua. Những đôi vai vẫn gồng, vẫn gánh. Tất cả như đã thành quen. Đôi khi họ cũng cất lên tiếng hát cho vơi đi những gian truân. Và mùi lam lũ của họ cũng giống như những giọt tình thương theo bao mùa nắng gió...
ĐƯỜNG LANG