01:05, 16/05/2015

Níu chân hoa muống biển Trường Sa

Tôi đến Trường Sa vào những ngày tháng 3 âm lịch, khi hoa muống biển nở rộ. Mùa xuân ở Trường Sa là mùa trời yên biển lặng nhất. Lúc ấy, những cơn sóng đã thôi dữ dội. Nó nhè nhẹ va vào bờ cát, mơn man những dây hoa muống biển.

Tôi đến Trường Sa vào những ngày tháng 3 âm lịch, khi hoa muống biển nở rộ. Mùa xuân ở Trường Sa là mùa trời yên biển lặng nhất. Lúc ấy, những cơn sóng đã thôi dữ dội. Nó nhè nhẹ va vào bờ cát, mơn man những dây hoa muống biển. Sóng xanh, thảm dây muống biển xanh với những bông hoa tím, và biết bao loài hoa khác đã vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp về Trường Sa, trái tim của biển đảo quê hương.


Có một điều đặc biệt là, tại hầu hết các đảo nổi tôi đi qua như Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn... cây muống biển đều vươn mình xanh ngắt. Loài cây thân mềm ấy có sức sống mãnh liệt trên cát bỏng cháy của mùa hạ, gió giật sóng dồn của mùa mưa, như sự chịu đựng dẻo dai trước muôn vàn gian khó và bất chấp hiểm nguy của người lính. Cây mọc như vòng tay ôm lấy đảo từ ngoài cầu cảng đến những dải cát ven bờ. Cây bò trên mặt sỏi làm êm bước chân chiến sĩ. Cây cho màu hoa tím thẫm như màu tím thủy chung của người lính và như tên gọi “hoa thủy chung” trong câu chuyện cổ tích mà các anh kể cho tôi nghe. Chuyện kể rằng, có một đôi nam nữ yêu nhau tha thiết nhưng gia đình nhà gái không đồng ý vì chàng trai quá nghèo. Để lấy được vợ, chàng trai đã ra khơi đánh cá kiếm tiền. Nơi quê nhà, hàng ngày cô gái ra bờ biển ngóng trông người yêu của mình, nhưng chờ mãi, chờ mãi mà chẳng thấy đâu. Cô kiệt sức và ngã xuống, biến thành cây muống biển. Cây ra hoa có màu tím thủy chung.


Buổi chiều, đi dọc bờ đảo Song Tử Tây, tôi gặp các chiến sĩ ôm đàn guitar hát dưới tán cây phong ba; gặp những người mẹ, người chị dắt con dạo chơi, vướng vào chân lũ trẻ là những dây muống biển. Một chiến sĩ nói với tôi: “Làm lính Trường Sa là niềm hạnh phúc lớn với em. Em không muốn rời xa nơi này”. Tình yêu biển đảo và tình yêu quê hương đã thấm vào máu thịt của mỗi người, trong đó có những người ở Trường Sa và những người ở đất liền như chúng tôi. Cây muống biển là người bạn đồng hành cùng chung gian khổ nhọc nhằn của khí hậu Trường Sa khắc nghiệt; cùng chứng kiến niềm vui ở chân cầu cảng khi có người từ đất liền ra. Mỗi dịp có đoàn ra biểu diễn văn nghệ, người lính lại hái hoa muống biển tặng các ca sĩ. Với tôi, những bông hoa ấy như muốn níu chân mình ở lại. Tôi hít hà gió biển lồng lộng và ngắm vạt muống biển mà thấy lòng nhẹ lâng. Nơi đây thân thương quá! Thân thương và gần gũi như những cây muống biển mọc thành dề ở bờ biển khu vực đường Phạm Văn Đồng, Nha Trang, nơi tôi sinh sống.


Tạm biệt Trường Sa, trong điện thoại hay trong máy ảnh của người ở đất liền thế nào chẳng có nụ cười của các chiến sĩ và cây trái trên đảo, trong đó có loài hoa muống biển. Tạm biệt các chàng trai có nước da sạm nắng tôi cầm những bông hoa muống biển lên tàu và nhớ lại sự tích về cây muống biển. Chuyện bắt đầu bằng câu: “Ngày xửa ngày xưa, có một đôi nam nữ…”.


NGỌC ANH