Trong bốn mùa của thiên nhiên, mùa xuân làm cho chúng ta vui nhất và cũng xao buồn nhất. Mùa xuân như một cô gái đẹp ghé đến chơi nhà chàng trai, làm cho chủ nhà rộn vui (Tết) và khi nàng bước đi (xuân sang - tháng Giêng) để lại thềm lá ngẩn ngơ.
Trong bốn mùa của thiên nhiên, mùa xuân làm cho chúng ta vui nhất và cũng xao buồn nhất. Mùa xuân như một cô gái đẹp ghé đến chơi nhà chàng trai, làm cho chủ nhà rộn vui (Tết) và khi nàng bước đi (xuân sang - tháng Giêng) để lại thềm lá ngẩn ngơ. Vì thế, mỗi khi nắng xuân vàng chan chứa trong veo với trời xanh thì tâm hồn người đa cảm đều có cảm giác xao xuyến về những điều đã qua. Do vậy, những thi nhân Việt từ đầu thế kỷ trước cho đến giờ mỗi khi làm thơ xuân đều mang một vẻ xao xác buồn, vì hơn ai hết trái tim nhà thơ thường đa sầu.
Chế Lan Viên trong bài thơ “Xuân” có câu rất bi ai: Tôi có chờ đâu, có đợi đâu/Đem chi xuân lại gợi thêm sầu? Thi nhân hờn dỗi với mùa xuân thực ra vì quá yêu xuân và biết trước nỗi buồn của cảnh “xuân sang” hanh hao sẽ phải chia ly.
Hàn Mặc Tử là họa sĩ vẽ bức tranh xuân thật kỳ vĩ với đầy âm sắc và cảm xúc chơi vơi, tiếc nhớ tới vô cùng trong bài thơ nổi tiếng “Mùa xuân chín”. Với bốn khổ thơ là bốn khoảng không gian, bốn bầu trời và trái tim nhung nhớ. Kết mỗi đoạn thơ là dòng nhấn như ánh mắt ngấn nước của thi nhân về thân phận con người dưới lăng kính bức tranh xuân. Câu thơ cuối cùng là niềm khắc khoải day dứt đến khôn cùng: Chị ấy năm nay còn gánh thóc/Dọc bờ sông trắng nắng chang chang. Hàn Mặc Tử múa bút cùng nắng xuân hanh hao đã vẽ xong đời người con gái làm cho chúng ta thấy giật mình, đầy ngậm ngùi: Mùa xuân như giấc mơ qua nhanh quá!
Nếu bức tranh thi sĩ họ Hàn chỉ tả buổi sáng tới trưa thì Anh Thơ lại ướt đẫm cảm xúc buồn hiu của “Chiều xuân” với cô thiếu nữ một mình bên sông. Quê thi sĩ có dòng sông Thương miền Bắc Giang nên hình ảnh bến vắng nơi đây thật hữu tình: Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng/Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi/Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng/Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời. Mùa xuân trong sương bảng, mưa rây... Chỉ đến khi có “vệt nắng” hiện lên: Làm giật mình một cô nàng yếm thắm/Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa. Nhiều người nhận xét đây là câu thơ thần của Anh Thơ làm “giật mình” bao trái tim con người nhưng rất buồn.
Nhiều người rất ngạc nhiên không hiểu vì sao trong bài thơ “Vội vàng”, thi sĩ Xuân Diệu kết bài thơ dài dằng dặc lẫn lộn nhiều cảm xúc hối hả lại bằng câu: Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi! Thật vui tươi, hồn nhiên kỳ lạ, nhưng trở lại trong đoạn đầu bài thơ thì ai cũng hiểu vì Xuân Diệu đã từng thốt lên: Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần nên đó là điều tất yếu. Hóa ra Xuân Diệu đang là một đứa trẻ tơ non về tâm hồn nên mùa xuân với ông thật hiện thực, không chút buồn. Nói như vậy để thấy không hẳn ai cũng thấy xuân hanh hao.
Còn chúng ta hôm nay, tiết cảnh và thời gian cũng như cảm xúc cũng khác xưa rất nhiều, khi xuân đến ồn ào ngày Tết; khi xuân đi lẳng lặng mặc dù vẫn để lại tràn ngập những bờ hoa đầy sắc màu. Mọi người lại phải cắm cúi với niềm suy ước của mình để bước tới. Nhưng nếu có lúc chỉ cần đôi phút ngồi lại ở góc vườn vắng ngắm nhìn lên vòm lá xanh biếc thì chắc chắn cảm xúc sẽ tràn về và lòng ta cũng chút buồn. Đó chính là niềm hạnh phúc của con người trước thiên nhiên kỳ diệu: xuân hanh hao! Lại hẹn ước mùa xuân sau.
DƯƠNG TRANG HƯƠNG