12:03, 14/03/2015

Ngõ chợ

Ngõ chợ là nơi bố mẹ tôi gặp nhau, là nơi tôi lớn lên, ê a những bài học đầu tiên của cuộc đời mình. Đấy còn là nơi tôi học những cách ứng xử ở đời, cách nuôi một hoài bão bằng việc rất giản đơn như cần mẫn bỏ những đồng xu lẻ vào con heo đất.

Ngõ chợ là nơi bố mẹ tôi gặp nhau, là nơi tôi lớn lên, ê a những bài học đầu tiên của cuộc đời mình. Đấy còn là nơi tôi học những cách ứng xử ở đời, cách nuôi một hoài bão bằng việc rất giản đơn như cần mẫn bỏ những đồng xu lẻ vào con heo đất. Là nơi tôi học cách bươn chải trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, cơ cực; học cách chắt chiu những điều tốt đẹp từ những va vấp; học cách sống sao cho vững chãi.


Ngõ chợ có từ lâu lắm rồi, từ khi chưa có tôi trên đời này, đến khi tôi khoác ba lô lên vai, đi bộ đội, ngõ chợ vẫn y nguyên như những ngày xa xôi trước đấy. Vẫn hàng quán, bán buôn, vẫn eo xèo, chèo kéo, vẫn tất bật ngược xuôi...


Cuộc sống ở ngõ chợ không giống với bất kỳ một nơi nào khác. Đặc trưng của nó là sự ồn ã, xô bồ. Âm thanh đầu tiên của ngày nơi ngõ chợ có khi là tiếng chổi quét rác xoèn xoẹt của chị công nhân vệ sinh môi trường; có khi là tiếng rao í ới của cánh bán hàng rong; cũng có khi là tiếng xích xe đạp kêu lộc cộc, lộc cộc của bác bảo vệ già ra về khi tan ca trực đêm; có khi là tiếng lá trở mình rì rào trong cơn mưa nhè nhẹ của buổi giao mùa trên hai cây bàng già, hay tiếng xoong nồi bát đũa va vào nhau lanh canh của quán bún bên đường... Những âm thanh đầu tiên của ngày mới nơi ngõ chợ không ngày nào giống ngày nào, thay đổi triền miên và bất tận để khắc sâu vào ký ức, vang vọng mãi vào tâm hồn. Ngày trước, lúc tôi sinh ra ở ngõ chợ, âm thanh đầu tiên tôi được nghe thấy có lẽ là tiếng giọt nước mắt hạnh phúc của mẹ tôi rơi xuống thềm nhà trong một buổi đông lạnh giá, vậy nên sau này lớn lên, tôi luôn lắng nghe, ngay cả những lúc tĩnh lặng nhất, để luôn ghi nhớ, luôn ngẫm ngợi mà vỡ lẽ rằng những âm thanh ở ngõ chợ đã trở thành một phần của cuộc đời mình tự bao giờ.


Ngõ chợ có khoảng dăm ba chục nóc nhà. Có nhà tuềnh toàng như của cha con bác thợ rèn; cũng có cái xa hoa như của ông chủ hiệu vàng đầu ngõ, song phần lớn vẫn là những quán xá nho nhỏ. Này tủ kẹo bột bán rong để lập nghiệp của anh trai trẻ tuổi người vùng biển; kia những gánh rau dưa, con cá, mớ khoai của các mẹ, các chị gồng gánh từ tận miền thôn quê xa lắc đến, hay dịch vụ cầm đồ, cho thuê xe du lịch... Thế hệ trẻ chúng tôi sau này, cuộc sống đã đầy đủ hơn, bạn bè cũng mỗi đứa một nơi, một vị trí trong xã hội, có đứa chưa bao giờ rời xa ngõ chợ, chỉ riêng tôi thấm thía từ cuộc sống nhọc nhằn xô bồ ấy, lên đường vào bộ đội và theo nghiệp văn chương. Ngõ chợ bây giờ rộng rãi hơn, con người muôn hình muôn vẻ nhưng không mấy đa dạng, phức tạp hơn nơi ngõ chợ nhỏ bé của tôi ngày nào. Để rồi mãi về sau, dù ở đâu, khi nào đi chăng nữa, ở trong tôi ngõ chợ vẫn là một khoảng trời riêng không bao giờ có thể xóa mờ.


Nguyễn Quang Học