Gặp mặt đầu xuân, kể chuyện tết nhất thế nào, có cô bạn nửa đùa nửa thật: ăn Tết qua... facebook. Rồi lại thấy hóa ra cũng lắm người... như mình.
Gặp mặt đầu xuân, kể chuyện tết nhất thế nào, có cô bạn nửa đùa nửa thật: ăn Tết qua... facebook. Rồi lại thấy hóa ra cũng lắm người... như mình.
Có cô bạn thân của đứa em ở nước ngoài về quê ăn Tết. Vậy nhưng mấy ngày Tết chẳng thấy ai đến nhà chúc Tết nhau. Thay vào đó, mùng một, đứa em vào facebook đã thấy lời nhắn nhủ hội ngộ đầu năm, địa điểm là một quán cà phê nào đấy, ai thích thì tới.
Đúng là Tết thời... công nghệ, có bận rộn đến đâu cũng kè kè máy tính bảng, smartphone bên cạnh. Này thì vào trang youtube học cách làm món bắp bò ngâm mắm, xem cách gói bánh chưng bằng khuôn sao cho đẹp. Mấy ngày Tết cũng không quên lướt nét, lướt facebook xem không khí Tết của thiên hạ. Có những cái Tết muộn, Tết của người giàu người nghèo, hay cả những bức ảnh Tết xưa Tết nay cũng gây chú ý cho cộng đồng mạng. Qua lăng kính của báo online lại có Tết sẻ chia với người nghèo tấm bánh, chai nước ngọt...; là nhộn nhịp du khách tràn về phố biển du xuân; là không khí Tết ở các nẻo đường... Muốn xem bạn bè, đồng nghiệp ăn Tết ra sao, cảm nhận thế nào cũng chỉ cần vào facebook. Này thì trưng loại hoa nào ngày Tết, này gói bánh chưng bánh tét như giữ truyền thống của gia đình, lại có những nỗi ngùi ngùi về năm đầu đón Tết xa quê khiến người comment bên dưới chừng như cũng mủi lòng cho nỗi niềm giống mình. Đó còn là niềm hân hoan du xuân, nói câu chúc mừng nhau bên bàn tiệc, hay đơn giản hơn là tụ tập ở một quán cà phê nào đấy với gia đình, bạn bè... Cứ gọi là muôn nẻo vị Tết qua... facebook, cập nhật từng ngày, trên từng khoảnh khắc. Chẳng cần mất nhiều thời gian, chỉ chộp vài bức ảnh rồi up lên thế là chia sẻ cho nhau. Đấy có phải là Tết sẻ chia không nhỉ?!
Thôi thì tự nhủ ấy là xu hướng Tết của thời công nghệ, của ngày nảy ngày nay. Chẳng như Tết của người già, bạc đầu vẫn thích cùng nhau đến từng nhà người bạn già, nhấm nháp ly trà, hớp rượu, tỉ tê một thời đã qua cho đủ lễ đủ nghĩa...
Có những điều đã rơi vào quên lãng, có những thứ như đang dần mờ phai và cũng có những cái Tết không giống nhau của mỗi thời, mỗi người. Nhưng cái Tết truyền thống vẫn cứ song hành cùng cái Tết của thời số hóa của ngày nay. Như kiểu 30 Tết đi qua phố vẫn thấy những bếp củi đỏ lửa bên vỉa hè cho xanh nồi bánh chưng, vẫn bắt gặp văn hóa chợ Tết, hay là phút giao thừa đi hái lộc, là phong tục tảo mộ, lễ chùa ngày đầu năm... Có thể đâu đó vẫn còn có những băn khoăn giữa Tết truyền thống và hiện đại bởi những khoảng cách thế hệ, nhưng sự đan cài đó cũng như là một cách thức thời để mỗi người có một cái Tết trọn vẹn theo cách của riêng mình.
B.T