Trong cái rộn ràng, hối hả của ngày cuối năm, người người nhà nhà tất bật lo toan dọn dẹp, trang hoàng… và đến lúc mâm cỗ được bày biện thành kính trên bàn thờ tổ tiên cũng là lúc đồng hồ đếm ngược chỉ còn vài giờ nữa là ngày cuối cùng của năm cũ sẽ đi qua…
Trong cái rộn ràng, hối hả của ngày cuối năm, người người nhà nhà tất bật lo toan dọn dẹp, trang hoàng… và đến lúc mâm cỗ được bày biện thành kính trên bàn thờ tổ tiên cũng là lúc đồng hồ đếm ngược chỉ còn vài giờ nữa là ngày cuối cùng của năm cũ sẽ đi qua…
Đã bao năm, tôi không có dịp về thăm nhà kể từ ngày tôi lên thành phố để tìm kế sinh nhai. Cuộc sống mưu sinh không phải lúc nào cũng êm đềm trôi như con sóng lăn tăn vỗ bờ mỗi đêm trăng sáng bên dòng sông Cái. Nhà tôi, một căn nhà nhỏ liêu xiêu, cũ kỹ ở sát tận mé sông, mỗi khi thủy triều dâng cao, dòng nước pha lẫn vị mặn của biển và hương phù sa của núi rừng có thể chảy tràn vào nhà bất cứ lúc nào. Đứng trước hiên, nhìn ngược về hướng Tây phía bên kia dòng sông là mảnh đất màu mỡ, quanh năm rợp mát bóng dừa và được người đời đặt cho cái tên ngồ ngộ “Cồn Dê”.
Mẹ tôi kể, “Cồn Dê” được sinh ra từ chính những người nuôi dê tại đây. Hồi còn trẻ mẹ đã từng chăn dê khắp cái cồn này, dừa ở đây nước ngọt quanh năm không nơi nào sánh được. Và đúng như vậy, khi anh em tôi lớn lên, vào mỗi đêm trăng sáng, chúng tôi lắc chiếc thúng chai băng qua dòng sông dập dìu để hái những trái dừa xanh nõn và thỏa cơn khác trong cái dịu ngọt của đất trời quê hương.
Ngày cuối của năm xa lắc lơ, ba mẹ tôi chuẩn bị một mâm cỗ rước ông bà trông thật thịnh soạn, có đầy đủ các món ngon như gà luộc, heo quay, cá chình kho… và cả bánh kẹo, chè xôi, mâm ngũ quả mà suốt cả năm chưa nhìn thấy bao giờ. Ba tôi, trong bộ áo dài đen thẳm đội chiếc khăn trên đầu thắp hương đứng trước bàn thờ kính cẩn khấn lạy, thỉnh thoảng cầm chai rượu đi vòng quanh bàn rót vào các ly nhỏ, miệng lâm râm những điều gì đó trông thật linh thiêng huyền bí...
5 anh em chúng tôi xếp hàng ngay ngắn, đứa út đứng trước, đứa lớn sau cùng lần lượt bước ra để ba tôi giới thiệu tên, tuổi trước bàn thờ và cầu mong thần linh phù hộ độ trì để được lớn nhanh, khỏe mạnh. Riêng anh hai, theo ba giải thích, sẽ là người thay thế ba trong việc thờ phượng tổ tiên thì được chỉ dạy cách bày biện mâm cỗ, cách khấn lạy đồng thời thực hành theo ba. Nhìn bộ dạng lúng túng của anh, chúng tôi không thể nhịn cười…
Khi nén hương sắp tàn, ba tôi rót chén trà màu vàng óng và bước ra hàng hiên đốt lễ vật dâng cúng mang ý nghĩa tượng trưng. Khi các nghi thức hoàn thành, mâm cỗ được chuyển sang bàn cơm thường ngày của gia đình. 5 anh em như những con chim đói mồi, mỗi người xí ngay một món ăn yêu thích. Trong chốc lát trên bàn chỉ còn lại đĩa chén ngỗn ngang. Trước khi rời bàn ăn, ba tôi dặn dò, dù sau này các con trưởng thành, mỗi đứa một phương trời thì cũng đừng quên mâm cỗ ngày cuối năm mang nhiều ý nghĩa truyền thống đồng thời là cơ hội để anh em sum vầy sau những tháng ngày bươn chải. Tôi không hiểu nhiều lắm về câu nói này nhưng nhìn ánh mắt từng trải của ba, tôi hình dung ra một điều gì đó có vẻ nghiêm trọng...
Hôm nay, tôi đang ngồi trong ngôi nhà khang trang giữa khu dân cư Hòn Xện có đầy đủ 5 gương mặt thân quen chờ khoảnh khắc giao thời của đất trời. Ngôi nhà bên dòng sông Cái ngày nào chúng tôi vui đùa giờ đây không còn nữa, mảnh đất bé xíu ấy đã lọt thỏm xuống dòng sông. Kể từ lúc đó, anh hai tôi đã di chuyển đến đây để gây dựng lại cuộc sống mới.
Nhìn anh hai tất bật với mâm cỗ, cũng khăn áo đi lại khấn vái trông giống hệt ba lúc sinh thời, hình ảnh gia đình có đầy đủ ba mẹ yêu thương của tết xa xưa lại ùa về… Chợt anh quay về phía tôi: “Chú út, lại đây xem cách bày biện mâm cỗ, cách khấn vái ông bà tổ tiên để thực hiện cho đúng và mai này còn truyền dạy cho các con”. Tôi đứng bật dậy đi về phía anh, sau lưng tôi, cả 3 chị gái cùng đi và xếp vào thành hàng. Mỗi người trên tay một nén nhan làm theo từng động tác của anh… Tôi thầm nghĩ, ba mẹ ở nơi chín suối sẽ rất mãn nguyện khi nhìn thấy cảnh anh em tôi sum họp. 5 anh em mỗi người mang theo cả gia đình tụ họp, mâm cỗ ngày cuối năm bây giờ đầy đủ hơn xưa. Các con của chúng tôi không có cảnh xí phần như trước mà ngược lại còn đùn đẩy thức ăn về phía ba mẹ.
Chúng tôi cười nói râm ran nhắc lại những kỷ niệm xưa cũ bên dòng sông Cái êm đềm của thời ấu thơ. Thỉnh thoảng cây hương phụt cháy sáng trên bàn thờ, anh hai đùa: “Chắc ba mẹ đang mỉm cười với chúng ta…”.
Long Mỹ