08:01, 10/01/2015

Mẹ và biển

Nếu ai đó hỏi tôi về mẹ, tôi sẽ trả lời người hiền từ, rộng lượng như biển khơi. Nếu có ai hỏi tôi về biển, tôi bảo rằng biển dịu dàng, nhân hậu như chính mẹ trên đời…

Nếu ai đó hỏi tôi về mẹ, tôi sẽ trả lời người hiền từ, rộng lượng như biển khơi. Nếu có ai hỏi tôi về biển, tôi bảo rằng biển dịu dàng, nhân hậu như chính mẹ trên đời…


Cả một đời, mẹ nhọc nhằn tần tảo. Cả một đời, mẹ lặng thầm, cần mẫn như từng đợt sóng nhẹ mỗi lúc triều lên. Mẹ trong tôi là mặt biển xanh êm đềm bên bờ cát trắng với từng con sóng hiền hòa nhẹ vỗ ru bờ cho những ước mơ tôi…

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Quê tôi là một làng chài nhỏ nằm ven biển. Nơi đây chỉ có mấy chục nóc nhà nằm quây quần bên nhau dưới bóng dừa xanh và những hàng thông lao phía trước mặt hướng ra biển. Người làng tôi từ bao đời nay chỉ làm nghề chài lưới. Ngày tôi còn nhỏ, ông và cha ra khơi. Rồi khi ông gửi hồn về với biển, cha và anh lại tiếp tục với đời dân chài, với chiếc thúng, tấm lưới, dây câu, với con mực, con cá phải đổi bằng mồ hôi chát mặn để nuôi sống gia đình, để cho tôi được bước chân vào giảng đường đại học.


Ở làng tôi, đàn ông trai tráng mỗi lần ra biển, có khi gần bờ, có khi dong thuyền lớn ra khơi tận cả tháng mới trở lại. Các bà, các mẹ thì ở nhà, vun vén chu toàn cho cả gia đình và rồi lại cặm cụi với những công việc quen thuộc mỗi ngày như vá lưới, phơi cá, phơi ruốc, làm mắm… Mẹ tôi cũng như nhiều phụ nữ trong làng, cũng những công việc ấy đều đặn mỗi ngày, nhưng khác ở chỗ, cha và anh tôi thường xuyên phải theo thuyền lớn ra khơi. Và khi nhiều nhà trong làng đã tắt đèn đi ngủ, mẹ vẫn thường ngồi bên thềm cửa, nhìn về phía biển xa xa, nghe từng đợt sóng vỗ rì rào ngoài kia mà trong lòng như bão tố. Tôi từng thấy nhiều đêm mẹ ngồi im như thế cho đến lúc trăng tàn…


Quê mẹ ở trung du. Mẹ thương cha rồi về làm dâu xứ biển cũng bởi bà yêu cái xanh biếc bao la của biển, cái mịn màng êm ái của bãi cát dài, yêu tiếng gọi dạt dào của sóng. Và hơn hết, mẹ thương cái mặn mòi nắng gió, thương cái tính ăn sóng nói gió mà chân thành của người chài lưới nơi cha. Bà hay nhủ, được gặp cha và có các con, sống bên biển là hạnh phúc lớn nhất đời mẹ.


Nhưng biển cũng mang đến cho mẹ bao nhiêu thấp thỏm lo âu để rồi hạnh phúc nghẹn ngào khi biết sau mỗi đợt bão vào, cha và anh đều trở về bình an vô sự. Tôi nhớ hoài, mỗi lần đài báo tin có bão vào, mẹ lại đứng ngồi không yên, cả đêm chẳng thể nào ngủ. Khi còn bé, ở nhà với mẹ, tôi đã từng nghe mẹ khóc biết bao lần. Có tiếng khóc nhỏ vì nhớ chồng, nhớ con theo tàu cả tháng chưa về. Có tiếng khóc òa vì lo sợ. Nhớ những đêm mưa gió bão bùng, nhà vắng cha và anh, hai mẹ con ôm nhau khóc. Sau này đi học xa, mỗi lần nghe tin dự báo thời tiết, gọi về nhà, tôi nghe trong điện thoại tiếng mẹ nghẹn ngào.


Lớn lên khi đi học, tôi được nghe câu chuyện về những người phụ nữ ôm con ngóng biển đợi chồng về mà hóa đá Vọng Phu, những lúc ấy càng thấy thương mẹ nhiều hơn. Cả một đời bà cứ âm thầm, lo âu, chỉ thầm mong cho cha, anh và những người một đời chài lưới lênh đênh giữa biển luôn được bình an. Để biển mãi xanh êm đềm và sóng mãi hát khúc du dương, để trong giấc mơ của mẹ và các cô, các chị chỉ có tiếng rì rào của từng đợt sóng ngoài kia nhẹ vỗ ru bờ…


HƯƠNG LÀI