11:11, 19/11/2014

"Em đứng giữa giảng đường hôm nay"...

Theo bước chân người thầy giáo, âm nhạc đã thực sự xây dựng hình ảnh người giáo viên thật cao đẹp, tràn đầy ước mơ trong sáng… góp phần động viên tinh thần các thầy cô trên con đường phấn đấu "hết lòng vì đàn em thân yêu".

Theo bước chân người thầy giáo, âm nhạc đã thực sự xây dựng hình ảnh người giáo viên thật cao đẹp, tràn đầy ước mơ trong sáng… góp phần động viên tinh thần các thầy cô trên con đường phấn đấu “hết lòng vì đàn em thân yêu”.


Bài hát Bài ca người giáo viên nhân dân của nhạc sĩ Hoàng Vân đã trở thành bản nhạc nổi tiếng viết về ngành Giáo dục vì nó thực sự gieo vào trái tim hàng triệu thầy, cô giáo suốt gần nửa thế kỷ qua. Ở bất cứ hội diễn nào của ngành Giáo dục đều vang lên ca từ: “Trên những nẻo đường của Tổ quốc xinh tươi, có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương, có những bài ca nghe rạo rực lòng người, bài ca ấy loài hoa ấy đẹp như em, người giáo viên nhân dân…”.


Nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác bài hát này vào thập niên 60 của thế kỷ trước, khi phong trào về giáo dục của miền Bắc XHCN lên rất cao, cùng với đoàn quân ra trận chống giặc thì người giáo viên nhân dân cũng là chiến sĩ đi diệt giặc dốt, nâng cao văn hóa cho học sinh... Nhạc sĩ thể hiện giai điệu hơi nhanh (allgretto) của thể hành khúc, có đoạn rất cao, tuy nhiên dù là các ca sĩ chuyên nghiệp nổi tiếng như Bích Liên, Thúy Hà hay một giáo viên bình thường đều thể hiện được, vì lời ca quá lãng mạn, long lanh như ánh mắt ngời sáng của cô giáo trẻ lần đầu được đến với các em học sinh.


Khác với Bài ca người giáo viên nhân dân trang nghiêm, cao vút ước mơ thì Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi của nhạc sĩ Văn Ký lại có phần hồn nhiên, đậm chất thơ theo đúng kiểu giai điệu của dân ca Tày với âm vang của cây đàn tính; nhiều đoạn, nhạc sĩ đưa hẳn làn điệu then vào làm cho bài hát tươi vui. Ngoài đời, nhạc sĩ Văn Ký rất hóm hỉnh và vui tính, ông kể rằng năm 196l, tại hội nghị thi đua có một cô giáo người Tày xung phong lên dạy học vùng núi cao, nơi có rất nhiều trẻ em dân tộc Mông, Dao và đây là một chuyện rất hiếm. Từ cảm xúc đó, nhạc sĩ đã viết bài hát để ca ngợi cô giáo Tày đáng quý kia, nhưng ông không đi vào cụ thể mà nâng tầm khái quát. Tuy nhiên, đây là bài hát điển hình cho việc kết hợp nhuần nhuyễn dân ca với nhạc nhẹ.


Sau ngày giải phóng miền Nam có phong trào “ca khúc chính trị”. Nhiều ban nhạc theo xu thế này với những ca sĩ nổi tiếng như: Sỹ Thanh, Thế Hiển, Cẩm Vân, Ngọc Ánh, Thanh Phương... Trong những bài hát nổi tiếng như: Em như tia nắng mặt trời, Khát vọng… có một bài hát rất tươi trẻ và ngộ nghĩnh của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đó là Cô đi nuôi dạy trẻ. “Mùa xuân ai đi hái hoa, còn em đi nuôi dạy trẻ...”, giai điệu nhẹ nhàng, đơn giản, lời ca khúc tự nhiên như tâm sự. Bài hát này không chỉ vang trên khắp nẻo đường đất nước của tuổi trẻ mà còn tới tận những phương trời xa trên thế giới trong những liên hoan ca khúc chính trị. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng rất vui tính và yêu quý trẻ em, và bài hát Cô nuôi dạy trẻ đã thể hiện khí chất của nhạc sĩ. Mỗi khi có ai xướng lên bài hát này thì ngay lập tức mọi người vỗ tay vào nhịp hát như để cùng chơi vui với trẻ thơ.


Nhạc sĩ Tân Huyền kể lại rằng, trong một lần dự lễ khai giảng ở Trường Đại học Sư phạm, nhạc sĩ gặp một cô tân sinh viên ở miền quê rất xinh xắn, có ánh mắt trong veo như bầu trời mùa thu làm ông xúc động. Em đứng giữa giảng đường hôm nay đã ra đời như vậy, đây là bài hát về nghề giáo với cụ thể là cô sinh viên sư phạm: “Em đứng giữa giảng đường hôm nay/Mà niềm vui trong lòng dâng đầy/Từ một cô gái ngoại ô thành phố/Bao tháng bao năm em hằng ước mơ/Được cùng chị cùng em bay tới những chân trời khoa học bao la...”. Lời ca cùng giai điệu cao vút như ước mơ của cô sinh viên trẻ. Càng duyên tình hơn khi ca sĩ thể hiện đầu tiên và hay nhất chính là Quỳnh Liên - giáo viên Trường Đại học Sư phạm. Chị hát như lòng mình, nghề mình cùng tình yêu của mình. Sau đó, Ái Vân, Lan Anh cũng thể hiện bài này nhưng với người nghe nhạc đều nhớ tới Quỳnh Liên.


Ước mơ xanh của nhạc sĩ Lệ Giang cũng là bài hát hay về nghề giáo. Chị sáng tác bài hát này khi tròn 23 tuổi (năm 1976). Lệ Giang vốn là giáo viên trường THCS ở Hà Nội nên bài hát này chính là tiếng lòng của chị.


Chúng ta có thể kể thêm những bài như: Bụi phấn (Vũ Hoàng), Khi tóc thầy bạc trắng (Trần Đức) hay Mong ước kỷ niệm xưa (Xuân Phương) đều để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng người nghe và đó chính là những lẵng hoa âm nhạc tặng cho các thầy, cô giáo Việt Nam.


Lê Đức Dương