Nhà có trẻ mới vào lớp 1. Ở tuổi đang học chữ, thấy người lớn nói từ nào lạ hay xem ti vi có từ mới, lại thắc mắc hỏi ngay. Đại loại như "ngộ nghĩnh", "tớ", hay "đại biểu" là gì... Mấy hôm nay, hát cho trẻ nghe bài "Viếng lăng Bác" trước khi ngủ, hát đến đâu, trẻ đều chen ngang hỏi từng từ mà mình không hiểu, từ "miền Nam", "bát ngát", "mưa sa", cho đến "giấc ngủ bình yên", "sáng trong", "dịu hiền", "trung hiếu"...
Nhà có trẻ mới vào lớp 1. Ở tuổi đang học chữ, thấy người lớn nói từ nào lạ hay xem ti vi có từ mới, lại thắc mắc hỏi ngay. Đại loại như “ngộ nghĩnh”, “tớ”, hay “đại biểu” là gì... Mấy hôm nay, hát cho trẻ nghe bài “Viếng lăng Bác” trước khi ngủ, hát đến đâu, trẻ đều chen ngang hỏi từng từ mà mình không hiểu, từ “miền Nam”, “bát ngát”, “mưa sa”, cho đến “giấc ngủ bình yên”, “sáng trong”, “dịu hiền”, “trung hiếu”... Cứ thế, người lớn lại phải giải thích cho trẻ hiểu theo cách đơn giản nhất, hoặc tìm những từ tương tự để liên hệ. Những lúc ấy lại nhớ đến cuốn từ điển, bởi có những từ tuy hiểu nhưng để giải nghĩa cho người khác chẳng hề dễ chút nào, nhất là con trẻ.
Rồi lại nhớ đến lời người cậu hay viết văn rằng, nếu có thời gian thì mỗi ngày đọc vài trang từ điển sẽ giúp làm phong phú vốn từ vựng. Điều đó là hiển nhiên rồi.
Thế mà, có lúc giật mình bởi thấy cuốn sách dày và nặng đó không còn cần thiết với nhiều người nữa trong thời đại bây giờ. Đó là khi đứa em gái đọc cuốn “Buồn làm sao buông” của tác giả trẻ có sách bán chạy Anh Khang, đến đoạn có sử dụng từ “viển vông” liền dừng lại thắc mắc, tác giả viết sai chính tả, phải là “viễn vông” chứ! Bảo với em rằng làm gì có chuyện viết sai khi trong từ điển có từ đấy hẳn hoi. Chẳng cần tranh luận làm gì cho mệt, đứa em vào ngay gu-gồ (google) để xem người ta luận về nó thế nào. Hóa ra em cũng có cái lý của mình. Hóa ra từ ấy cũng có gốc gác hẳn hoi, tranh tranh cãi cãi về cái dấu hỏi hay ngã ấy...
Phút nhanh nhảu của đứa em nhắc mình nhớ ra đang là thời của công nghệ với điện thoại thông minh, máy tính bảng... những vật mà bất kỳ ở đâu người ta cũng có thể ung dung bấm bấm tra cứu nghĩa của từ hay tất tần tật những gì mình muốn biết. Ngay cả bản thân mình, vốn gắn với cái máy tính cả ngày, cũng có thói quen sẵn tiện vào gu-gồ tra cứu. Tóm lại, cái gì cũng gu-gồ tuốt.
Rồi một ngày, đọc một mẩu chuyện cười trên báo nói về cuộc trò chuyện của các đại gia công nghệ lần lượt tự hào về cái nhất của mình. Này thì Facebook là mạng xã hội được nhiều người truy cập nhất thế giới. Ông Yahoo thì tự hào mình là ứng dụng messenger không ai bằng. Ông Google có hệ thống thông tin lớn nhất toàn cầu. Internet lại ra oai nếu không có ông, các ông công nghệ khác chẳng là gì cả. Đến lúc ấy, ông điện mới thản nhiên bảo các ông cứ nói tiếp đi, còn ông thì đi đây. Ừ, thì công nghệ rất nhanh, rất tiện, nhưng không có điện thì cũng chỉ để bỏ xó.
Bỗng nhớ đến cuốn từ điển mà một người quen tặng mình khi hay tin đỗ vào khoa văn 16 năm về trước, chẳng biết giờ nằm ở xó xỉnh nào?
G.H