08:09, 06/09/2014

Miếng ngon thuở nhỏ

Đi chơi xa về đến thành phố, suốt hành trình thấy chỗ nào cũng đỏ rực các quầy bánh Trung thu, tự nhiên da diết nhớ đến cái bánh Trung thu quê nghèo thuở còn thò lò mũi.

Đi chơi xa về đến thành phố, suốt hành trình thấy chỗ nào cũng đỏ rực các quầy bánh Trung thu, tự nhiên da diết nhớ đến cái bánh Trung thu quê nghèo thuở còn thò lò mũi.


Đó là cái bánh Trung thu “tự biên tự diễn”, với “công nghệ” cực kỳ sáng tạo, mang đặc trưng quê choa không lẫn vào đâu được. Bánh được làm bằng bột mì Liên Xô độn nhân khoai lang làng Tân Định và đậu phụng làng Trung Trinh. Nó chỉ to cỡ cái bánh bèo, dày một đốt ngón tay, nhưng giá đắt đến 5 xu/1 cái. Mà thời đó 10 xu là 1 hào, 10 hào mới thành 1 đồng. Lương ba mình cấp trưởng phòng được lãnh 65 đồng thế mà nuôi đủ mẹ già, vợ và bốn con nhỏ. Cái bánh được nướng bằng lửa củi, thành ra vỏ bánh cháy lem nhem, nhưng nó là món quà Trung thu thơm nhất, ngon nhất, quý giá nhất trần đời của tụi nhỏ quê mình đêm sáng trăng rằm thời đó. Đứa nào thân lắm, nịnh nọt bùi tai mình mới cho nó cắn một miếng tí ti, thế mà có đứa tham, ngoạm cả vào ngón tay mình đau điếng.


Giờ bánh Trung thu cao cấp các loại, các kiểu xanh, đỏ, vàng, nâu tràn đầy phố thị. Nhưng chủ yếu người ta mua để biếu nhau, nếu có ăn thì chỉ ăn một vài miếng chơi vì người lớn, trẻ con đều sợ ngọt, sợ mập.

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Bánh Trung thu nhân khoai lang quê mình giờ không còn, nó đã đi vào dĩ vãng cùng với những năm tháng đói nghèo của đất nước. Nhưng mỗi lần Trung thu tới, dưới ánh trăng màu rơm vàng, mình lại thấy phảng phất đâu đây hương vị dẻo dẻo, ngòn ngọt của khoai lang quyện với vị beo béo bùi bùi của những hạt đậu phụng rang. Thế mới biết, dù đường đời có rong ruổi đâu đâu, gió bụi thời gian nhuốm đến bạc tóc cũng không dễ gì phai được cái chất quê cũng như thói quen ẩm thực của nhiều người hồi thơ ấu, như thể hồn cốt quê hương đã lặn vào trong người vậy. Cho nên miếng ngon thời cơ cực nhớ lâu là thế.


Quê mình đất cát là cát, trồng cây gì cũng khó tươi tốt, chỉ có con người và cây khoai lang là tỏ rõ sức sống mãnh liệt, vì vậy lương thực chính cho con người một thời là khoai. Ở xa, mỗi lần có cái ăn ngon, nghĩ về quê thuở đói nghèo là mình nhớ ngay đến khoai lang. Nhớ những bữa cơm chính của nhiều gia đình trong làng là rổ khoai luộc và nồi canh rau lang nêm mắm ruốc nghi ngút khói. Ăn quen hàng ngày đến nhàm, thành thử khẩu vị của thứ lương thực chủ lực này bị xếp ở hạng không có gì đáng khoe với mọi người.


Đến thời đất nước đổi mới, đời sống khá lên, vật chất phong phú, đa dạng, cái ăn bắt đầu có sự lựa chọn kỹ càng thì khoai lang xứ mình tự nhiên lên ngôi, thành một món đặc sản. Cả xã giờ nổi tiếng với nghề trồng và chế biến khoai. Khoai củ luộc chín, bóc vỏ, xắt lát, phơi khô, đóng gói, dân gọi là khoai deo, làm không kịp bán cho khách tham quan, nhất là người Hà Nội. Lại nghe nói khoai deo làng mình còn theo chân người Việt đi sang các nước là món quà quê không thể thiếu được.


Giờ nghe mấy thằng bạn hát lời chế “...đã mười năm rồi quê ta chẳng đổi thay gì, khoai khoai toàn khoai...” thì mình không còn thấy nghịch nhĩ như trước. Thậm chí thấy vui vui là đằng khác.


PHÙNG NGUYÊN MỸ