Mỗi khi có dịp về vùng quê ven biển, nhìn các bà, các mẹ gánh những gánh mắm đi trên đường, lòng tôi lại xốn xang nghĩ về một khoảng thời gian đã lùi vào dĩ vãng. Những gánh mắm trên đường quê chính là một phần tuổi thơ tôi. Và, đó cũng là một trong những kỷ niệm đẹp, mãi nhắc nhở tôi với gốc gác bờ tre gốc rạ của mình...
Mỗi khi có dịp về vùng quê ven biển, nhìn các bà, các mẹ gánh những gánh mắm đi trên đường, lòng tôi lại xốn xang nghĩ về một khoảng thời gian đã lùi vào dĩ vãng. Những gánh mắm trên đường quê chính là một phần tuổi thơ tôi. Và, đó cũng là một trong những kỷ niệm đẹp, mãi nhắc nhở tôi với gốc gác bờ tre gốc rạ của mình...
Hồi đó, trong xóm hầu như nhà ai cũng có một hũ mắm để đầu giàn bếp. Đó là thức ăn không thể thiếu trong các bữa ăn. May là ba tôi, dù chỉ còn lại một cánh tay bởi chiến tranh, nhưng vẫn cố gắng ra đồng kiếm con cua con cá về cho cả nhà, để mấy đứa con dại không phải ăn mắm ngày ba bữa.
Mùa mưa lụt, tháng 9 âm lịch trở đi, mắm càng quý với bà con lối xóm, bởi nước ngập mênh mông cả ruộng đồng. Hũ mắm nhà tôi cũng hết nhanh hơn. Nhưng lúc ấy, đường xa, mưa lớn, những gánh mắm thường ít hơn, và phải chờ những tiếng rao, chờ những dáng áo tơi gánh mắm đi qua xóm, nhiều lúc cả đến mươi ngày nửa tháng...
Ba mẹ ra đồng, chị đi học, mỗi khi nhà hết mắm, tôi thường được giao nhiệm vụ đón gánh mắm ngay từ đầu xóm. Cô bán mắm lúc ấy cứ vài ngày lại quảy gánh đi ngang xóm. Cô quen với từng nóc nhà, từng con ngõ của xóm tôi. Và người dân xóm tôi cũng quen với cái giọng “mắm... ơi...” không thể lẫn vào đâu được của cô. Nghe tiếng rao từ đầu xóm, tôi đã chạy như bay ra. Gánh mắm vào đến nhà, có khi ba mẹ tôi để hũ mắm hết và tiền sẵn để tôi đổi; cũng có khi nghe tiếng rao, ba mẹ đã về để mua, bởi đồng không xa nhà lắm.
Ấy là những gánh mắm quen, đi sâu vào xóm để bán. Còn những người gánh mắm không quen, vẫn cứ mải miết đi đến các vùng xa xôi hơn. Không biết họ đi từ lúc nào, nhưng đến xóm tôi thì trời hãy còn sương sớm mù mịt. Những cô, những chị gánh mắm bước đi trong sương với tôi là một hình ảnh đẹp, ngày ấy và cả bây giờ... Lặng lẽ bước đi, họ chấp nhận phận mình trong sương giá đường quê để nuôi dưỡng những gì ấm áp, tô đẹp cho gia đình và con cái mai sau...
Tôi nhớ mãi hình ảnh hai gánh mắm đi trước - sau trên đường ngang qua xóm nhà tôi. Người mẹ dẫn con dâu mới về nhà chồng gánh mắm mưu sinh. Có lẽ lần đầu tiên cô con dâu gánh một gánh mắm nặng đi xa đến thế. Chỉ đi được một đoạn, cô lại dừng, kiếm chỗ mát ngồi, lấy nón quạt cho bớt mệt. Mỗi lúc con dâu dừng lại, bà mẹ chồng cũng biết ý, dừng theo, rồi vừa động viên, vừa lấy âu trầu ra, ngồi bên cạnh, móm mém nhai. Vất vả lắm với đời mắm, nhưng họ vẫn không bỏ cuộc, vẫn đem chút hương vị mặn mòi của biển đến tới cả những miền rừng núi xa xôi, hẻo lánh...
Giờ, đời sống đã khá lên. Gánh mắm trên những con đường quê cũng không còn thấy nhiều như trước nữa. Phương tiện cũng đã phát triển. Mắm ra chợ. Mắm theo những chuyến xe khách, xe máy thồ hàng đi xa hơn, không những trong tỉnh mà còn ngoài tỉnh. Nhưng tôi cứ ước ao một lần nào đấy được thấy gánh mắm đi ngang xóm, để được gọi vào, được nghe những thanh vị ban đầu toát ra từ hũ mắm khi cô bán mắm vừa mở nắp...
Có lúc, giấc ngủ chập chờn của tôi còn loáng thoáng nghe tiếng rao của những người gánh mắm đi về ngang qua ngõ xóm. Những hình ảnh ấy đã đi theo ký ức tôi như một chút yêu thương vương vấn cả đời này.
Nguyễn Thành Giang