1. Chủ nhật, lang thang cùng đứa em vào nhà sách tìm mua sách tặng một cô bạn người Việt làm việc ở Hàn Quốc. Cũng lạ cho một người xa xứ lại thích món quà gửi từ khoảng cách xa đến thế - sách. Đứa em kể, anh bạn người yêu của cô gái cũng hay gửi sách từ Việt Nam sang xứ sở kim chi cho bạn gái.
1. Chủ nhật, lang thang cùng đứa em vào nhà sách tìm mua sách tặng một cô bạn người Việt làm việc ở Hàn Quốc. Cũng lạ cho một người xa xứ lại thích món quà gửi từ khoảng cách xa đến thế - sách. Đứa em kể, anh bạn người yêu của cô gái cũng hay gửi sách từ Việt Nam sang xứ sở kim chi cho bạn gái. Không hẳn nói đến chuyện sách ở xứ Hàn đắt hay rẻ đối với cô bạn đang làm công việc viết phần mềm cho một trường đại học ở Hàn, đồng lương chỉ đủ chi trải cuộc sống và dành dụm mỗi năm về nước một lần, mà là thói quen thích đọc sách, thích được tặng sách khiến người ta dễ có cảm tình.
Nhưng giữa một rừng sách, để lựa chọn tặng bạn cũng chẳng là chuyện dễ. Mất cả 2 giờ đồng hồ mới chọn được 6 cuốn, 2 cuốn tặng bạn, còn lại cho mình. Về nhà, cô em lại so sánh, mỗi cuốn bằng… 2 tô bún bò, chất xám bây giờ rẻ như bèo! Trái ngược hoàn toàn với những ý kiến sách bây giờ không thiếu những cuốn vượt túi tiền của người mua. Rồi lại bảo dù là sách tặng thì mình cũng phải được đọc trước. Khéo khen cho cô em siêng đọc sách đột xuất, dẫu đã qua ngày Sách Việt Nam.
2. Mấy hôm sau lại được nghe mẹ kể chuyện về đứa em họ con cậu ở Hải Phòng học giỏi văn và rất mê đọc sách. Khổ nỗi, mẹ cô bé muốn cô thi vào trường Y nên bắt con tập trung học Toán, Hóa, Sinh. Thế nên, cô bé phải giấu mẹ mỗi khi đi mua sách, mua về lại len lén đọc, thấy bác ra chơi lại lấy đọc cho bác nghe và bắt hứa không nói cho mẹ biết. Một cô bé mới học lớp 11 đã đọc Cánh đồng bất tận và kể lại vanh vách cho bác nghe cũng đã thấy mê sách đến độ nào. Đến nỗi, cô gia nhập một nhóm fan của một cây viết sinh năm 1987 ở Hà Nội, sách nào của tác giả này xuất bản, cô đều tìm mua. Thế mới có chuyện, một lần không mua được cuốn sách cần tìm của cây bút này, lại nhân dịp một cô bạn khác được ra Hà Nội, thế là cô bé gửi mua ngay. Khổ nỗi, cô bạn mua cũng chẳng được, nghĩ sao lại tìm đến tận nhà tác giả, thế là bỗng dưng được chủ nhân tặng hẳn cuốn sách có kèm cả chữ ký. Mê sách, còn quý cả sách, ngay cả bác xin vài cuốn cũng nhất quyết không cho!
3. Nhắc tới 2 câu chuyện trên, bỗng nhớ tới thói quen đọc sách xưa kia của mình. Hồi ấy, mới lớp 5-6 đã say mê Thủy hử, Tam quốc chí, Tây du ký…, những bộ truyện toàn chữ, dày cộp, giấy xỉn màu chứ chẳng trắng tinh như bây giờ. Hết đọc truyện ở nhà lại ra tiệm thuê, được cái tiệm đối diện với trường học nên cũng tiện. Lại lắm khi lấy cả sách giáo khoa văn học của anh trai hơn mình mấy lớp mà đọc trước các tác phẩm truyện ngắn. Lên cấp 3 thì chuyển sang tiểu thuyết tình cảm, truyện chưởng. Đến thời học đại học và vài năm sau đó, dường như không có sách là không chịu được. Hồi đấy, tôi làm 2 cái thẻ thư viện, một của trường, một của thư viện tổng hợp thành phố, mỗi lần mượn dăm bảy cuốn, hết rồi lại trả - mượn, cứ thế cả 4 năm học đại học. Có lúc chưa thấy đã, còn đạp xe đến các tiệm sách cũ mua sách. Còn nhớ, có lần dọn đống sách báo cũ của chủ nhà trọ, bắt gặp bộ Ván bài lật ngửa không trọn vẹn vì thiếu 2 tập của tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) cũng xin giữ lại đọc. Ra trường rồi, về Nha Trang, mấy năm đầu mỗi khi có dịp vào thành phố vẫn còn tìm đến nhà một người thầy mượn sách, dịp sau lại vào trả, có khi đến cả năm, vậy mà thầy cũng không chút tần ngần. Cũng nhờ đó mà tôi đọc được nhiều cuốn hay như: Bông hồng vàng (Pautovsky), Hoàng tử bé, Nhà thờ đức bà Paris, Một ngày dài hơn thế kỷ, Chân dung và đối thoại… Thi thoảng cũng tìm đến tiệm sách cũ ở góc ngã tư đường Hoàng Hoa Thám và Yersin hay vỉa hè đường Lý Tự Trọng mua những cuốn hay. Chẳng biết tiệm sách cũ ấy giờ đi về đâu?
4. Giờ thì thói quen ấy thưa dần trong cái văn hóa mạng. Thích đọc thì lại tẩn mẩn mở cái smartphone lướt blog của Phong Điệp, trang Thơ trẻ, Tạp chí Văn nghệ quân đội… để cập nhật thế giới văn chương. Dạo này lại hay vào trang Quang Yume, một trang blog cá nhân có nhiều bài viết sâu sắc. Rồi lại khám phá trang thehehochiminh.wordpress.com, nơi chứa đựng tất tần tật thông tin, bài viết về Bác Hồ, nối kết với nhiều trang mạng khác về Bác. Ngẫm ra văn chương mạng cũng có cái hay và tiện, thích bài nào thì cứ bấm add favorite (thêm vào ưa thích) để lưu lại, lâu lâu mở ra đọc lại. Thậm chí mới đây tải cái app (ứng dụng) lịch sử Việt Nam, mỗi ngày đọc một ít, lắm lúc thấy bất ngờ khi đọc đến giai đoạn lịch sử Việt Nam 1945-1975, ở sự kiện giải phóng Nha Trang, mới phát hiện ứng dụng trích dẫn nguồn từ… Báo Khánh Hòa.
Ai nói mình bây giờ lười cầm cuốn sách, điều đó là thật. Nhưng không phải cứ cầm cuốn sách lên mới là đọc, mà có nhiều cách để đọc và cũng là để học, bởi kiến thức, tri thức bây giờ có thể được tiếp cận bằng rất nhiều nguồn. Vấn đề là tùy cách nhìn nhận ở mỗi người và việc ta đã chắt lọc được những gì từ những trang chữ ít ỏi đó.
B.T