11:02, 07/02/2014

Bạn quê

Bao nhiêu năm mình mới về thăm quê. Ngoài thăm mạ, việc đầu tiên mình nghĩ đến là thằng bạn thân học suốt cả thời kỳ cấp hai, cấp ba. Xe đến thị xã, hỏi nhà ông luật sư Q. nhưng không một ai biết, hỏi nhà thơ kiêm luật sư Lý Hoài Niệm (bút danh của Q.) thì nhiều người biết và chỉ vẽ đường đi một cách tận tình.

Bao nhiêu năm mình mới về thăm quê. Ngoài thăm mạ, việc đầu tiên mình nghĩ đến là thằng bạn thân học suốt cả thời kỳ cấp hai, cấp ba. Xe đến thị xã, hỏi nhà ông luật sư Q. nhưng không một ai biết, hỏi nhà thơ kiêm luật sư Lý Hoài Niệm (bút danh của Q.) thì nhiều người biết và chỉ vẽ đường đi một cách tận tình.


Q. già trước tuổi, ăn mặc nghiêm trang, áo sơ mi cài tay, mặt khắc khổ kiểu công chức; mắt buồn kiểu thi sĩ; cái đầu sói rọi, bóng lưỡng kiểu luật sư; còn cái miệng rộng toác phô ra những cái răng cửa to như hạt bắp, răng ngựa thì không biết kiểu gì. Trong đời mình chưa thấy ai có nụ cười và tính tình hồn nhiên, vô tư như hắn. Không kịp cho mình hỏi han chuyện gia đình, chuyện của vợ hắn - cũng là bạn học của mình, thi sĩ đã đọc thơ, đọc thơ và đọc thơ. Thơ của hắn có nhiều bài hay, nhưng cũng có một số bài mình không thích. Suốt hai tiếng đồng hồ nghe thơ mỏi mệt và ngáp vặt, tự nhiên mình ghét thơ đến vô cùng vô tận!


Hơn ba mươi năm, thời gian trôi đi nhanh quá. Vợ Q., cô bé lớp 10A cao gầy, có nước da trắng ngần, mắt to ngơ ngác của ngày xửa ngày xưa nay đã thành một người đàn bà có vẻ đẹp đằm thắm lạ lùng. Mỗi lần thi sĩ Lý ba hoa về thơ, nàng lại liếc mắt nhìn, hắn im tức khắc, hình như thi sĩ này sợ vợ.


Mình nói mình thích bài “Của cho” của Q. tặng vợ và đọc một vài đoạn: Anh như của rơi; Nằm bên vệ cỏ; Em nhặt mang về; Rồi từ ngày đó; Anh thành của riêng… Thoát khỏi tay em; Lại nằm bên cỏ. Mình tán thêm: Tưởng cái thứ của rơi vất vưởng này sống trong mối tình đầm ấm yêu thương của người vợ đẹp thì cam chịu, nhưng không, khi cô ta coi đó là thứ của riêng thì bản chất của người đàn ông, mà người đàn ông đó lại là chàng thi sĩ lại vùng vẫy tìm cách tuột ra. Và một ngày nào đó hắn lại nằm bên vệ cỏ. Biết đâu lại có một người đàn bà nào đó lại nhặt hắn về. Hỡi ôi, đó là điều mà người đàn bà không chịu hiểu ở người đàn ông.


Nàng cười, nụ cười phảng phất chút buồn buồn “lão ấy chả làm nên tích sự gì cả, chỉ giỏi làm thơ nịnh vợ, tớ mỏi mệt với mấy ông nhà thơ lắm rồi”.


Bữa ăn chiều hôm đó, trên chiếc thuyền bồng bềnh sóng sông Nhật Lệ, mình chiêu đãi thầy giáo dạy văn cấp 2 của mình và Q. cùng hai bạn văn nghệ. Buổi hàn huyên đương nhiên có một thứ đặc sản không thể thiếu được của quê hương là rượu đẻn. Khi thức ăn dọn ra, thầy nói: “Thầy ăn chay, chỉ xin món đậu phụ luộc chấm xì dầu”. Mình mất hứng. Nhà thơ kiêm luật sư họ Lý và 2 bạn văn nghệ vừa gắp thức ăn vừa đồng thanh nói: “Không sao, không sao, trò gặp được thầy là quý rồi!”. Sóng to, thuyền chao, người nôn nao như say tình. Khi nạp đủ một “cơ số” rượu cần thiết, thằng bạn thi sĩ thân yêu của mình lại đọc thơ, đọc thơ và đọc thơ... Một lúc sau hắn hốt hoảng nói: “Thôi chết rồi! Quên cho heo ăn, vợ tao đi trực cả ngày”. Thầy giáo chửi: “Thằng thi sĩ kia! Ba mươi năm mới gặp bạn thân, mày để cho heo nhịn đói 1 bữa có được không”.


Mới đây, có người điện vào Nha Trang cho mình biết ông thi sĩ “lại nằm trên cỏ”. Có người đàn bà nào nhặt bạn mình chưa?

PHÙNG NGUYÊN MỸ