11:01, 12/01/2014

Gọi mùa xuống hạt

Phất phơ những đợt gió mang cái lạnh tràn về, mang theo những niềm vui, niềm hy vọng mới. Người nông dân quê tôi lại lũ lượt ra đồng ra ruộng với mùa lúa, mùa rau, mùa đậu phụng mới. Nón và cuốc nhấp nhô trên những cánh đồng quê hương khiến ai là người quê và từng sống ở quê sẽ có cảm giác vui lây cùng mùa xuống hạt mới.

Phất phơ những đợt gió mang cái lạnh tràn về, mang theo những niềm vui, niềm hy vọng mới. Người nông dân quê tôi lại lũ lượt ra đồng ra ruộng với mùa lúa, mùa rau, mùa đậu phụng mới. Nón và cuốc nhấp nhô trên những cánh đồng quê hương khiến ai là người quê và từng sống ở quê sẽ có cảm giác vui lây cùng mùa xuống hạt mới.

 

Rôm rả, nhộn nhịp nhất là những cánh đồng vào vụ đậu phụng. Đi qua các tỉnh lộ, huyện lộ, xã lộ sẽ thấy không khí lao động rất vui tươi. Có những cánh đồng hàng trăm người nông dân cùng cuốc đất, lên hàng, gieo hạt đậu phụng. Mùa bình yên. Cái lạnh cũng dịu hơn so với mọi năm. Nụ cười trên khuôn mặt những người nông dân cũng rõ ràng hơn, tươi hơn. Cả một quãng đồng rộn vang tiếng cuốc, tiếng cày, tiếng trâu bò hòa trong tiếng nói chuyện của con người. Nhìn dáng lom khom bỏ đậu phụng giống xuống luống của các bà, các mẹ, các chị, lòng lại bâng khuâng nhớ về tuổi thơ. Hồi nhỏ, mùa đậu phụng, tôi được ba mẹ phân công bỏ đậu xuống luống. Nói là phân công chứ để tôi làm cho vui, cho khỏi phá phách những chuyện khác. Bởi tôi hồi đó rất hiếu động. Nhìn thì dễ nhưng thật ra rất khó với một đứa trẻ. Bỏ phải đúng theo từng hàng, khoảng cách các hạt phải tương đối đều nhau. Thường tôi phải tập trung nhiều, có khi lại phải dùng tay gang từng gang cho đều nhau bỏ hạt...

 


Và mùa lúa Đông Xuân cũng lại về. Dễ thấy hơn mùa đậu phụng bởi ruộng có nhiều dọc hai bên Quốc lộ 1A. Các mẹ, các chị lại lục tục ra đồng phát bờ, dọn mương, nhổ bớt cỏ. Những người đàn ông thì lại đưa trâu ra đồng để trở những đường cày mới, cho những hạt lúa chuẩn bị có nơi mới mà trú ngụ, sinh trưởng. Thanh niên và trẻ con thì hồn nhiên hơn, đón vụ sạ lúa mới bằng việc tát những cái ô, đầm, đìa ven ruộng để bắt ít cá. Bởi mùa xuống lúa giống thường nước ngưng một thời gian, nên rất dễ cho việc tát bắt cá. Người lớn lo cho cái ăn cả mùa sau. Trẻ con lại kiếm cái ăn từng bữa. Hòa vào nhau trên những cánh đồng gốc rạ trơ gầy, họ vào mùa mới cũng với hy vọng tràn đầy không kém.

 

 

Lại về với cánh đồng làng, ba mẹ và cô bác xóm giềng đang vào mùa gieo cải, trồng rau cho một vụ Tết mới đang về. Người trồng rau làng tôi duy trì được cả năm, nhưng hy vọng thu nhập cao và nhiều nhất vẫn là vụ Tết hàng năm. Chi tiêu, quà cáp, thậm chí tiền học hành, áo quần của con cái năm sau phụ thuộc rất nhiều vào vụ rau Tết này. Mùa này ít lạnh, không mưa bão nhiều, xuống hạt cải, hạt rau thì dễ nhưng bán ra rất khó. Nói thì nghe có vẻ nghịch lý nhưng bà con làng tôi lại cầu những đợt mưa khi cây rau, cây cải đã lên ổn định. Vì như vậy, một số lượng lớn rau, cải ở làng và ở các nơi khác trong tỉnh sẽ giảm đi. Tết, giá cả sẽ tăng lên. Nếu không, vì nơi tôi ở là trung tâm của tỉnh, từ 24 tháng Chạp, rau từ các huyện khác đã ngập tràn, bán giá rẻ. Người dân làng tôi chỉ biết đứng nhìn và ngán ngẩm...

 

 

Mùa xuống hạt, mong bình yên, no đủ cho nông dân để nụ cười còn đọng lại trên khuôn mặt. Bởi đi qua những bão giông, lụt lội, người nông dân  nói chung và người dân làng tôi nói riêng đều mong một mùa xuân đầm ấm, một cái Tết an lành. Xong mùa gieo hạt này, mùa xuân sẽ lại về trên từng mái bếp, từng làn khói quê, từng đồng ruộng bãi bờ biếc xanh màu lúa, bắp, khoai, cải... Màu xanh yêu thương, màu xanh hy vọng. Cầu cho màu xanh ấy được chắp cánh thêm để vượt qua những khó khăn, trở ngại của thiên nhiên, thời tiết...

 

 

Và rồi lại thấy nụ cười của mẹ trong ngày đầu năm, thấy cái áo mới của ba thay cho cái áo cũ sau một năm trời. Thấy những đứa em, đứa cháu cầm bao lì xì trên tay mà ba mẹ chúng cũng hồn nhiên cười cùng con mình. Mùa vui sẽ đem lại cho người vui như mùa...

 

N.T.G