Một buổi tối, tiếng chuông điện thoại reo, một giọng Huế lạ hoắc vang lên bên tai. Nói dăm ba câu, hóa ra là cô bạn thuở còn học đại học gọi điện hỏi thăm. Thì ra, bạn xin được số điện thoại từ cái dạo có một anh đồng nghiệp ở tòa soạn dự hội thảo Báo Đảng miền Trung - Tây Nguyên ở Huế.
Một buổi tối, tiếng chuông điện thoại reo, một giọng Huế lạ hoắc vang lên bên tai. Nói dăm ba câu, hóa ra là cô bạn thuở còn học đại học gọi điện hỏi thăm. Thì ra, bạn xin được số điện thoại từ cái dạo có một anh đồng nghiệp ở tòa soạn dự hội thảo Báo Đảng miền Trung - Tây Nguyên ở Huế. Hỏi thăm chuyện nghề, chuyện chồng con, bạn thông tin lớp ngữ văn năm ấy họp mặt nhân kỷ niệm 10 năm ngày ra trường. Trả lời bạn rằng không dám hứa sẽ có thể vào thành phố mang tên Bác gặp bạn bè xưa, mà phút chốc, những ký ức của một thời sinh viên ùa về.
Vậy là thoáng chốc đã 10 năm. Ngày ấy, đứa nào đứa nấy cũng là dân tỉnh lẻ cả, cũng chọn mảnh đất ấy để làm hành trang vào đời. Những đứa con hiền lành xa quê cứ thế bấu víu nhau mà sống, rồi trở nên thân thiết. Ở trọ cùng nhau, chở nhau đi học, có khi cả đám rủ nhau về quê một đứa nào đó chơi, đợt sau lại về quê đứa khác. Nhưng thân nhất và để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất là khoảng thời gian hơn nửa tháng thực tập ở Sóc Trăng. Khi ấy, cả lớp chia làm 4 nhóm cùng sống với người dân ở các ấp của huyện Kế Sách. Cuộc sống người dân vùng sông nước ngày ấy vốn khốn khó nên đứa nào cũng bảo nhau “nhập gia tùy tục”. Ở thì toàn trong những ngôi nhà lợp bằng lá dừa, rất hiếm nhà tường - cách gọi của người dân trong ấp để chỉ những nhà xây bằng gạch, đêm đến gió lùa trước lùa sau, lạnh buốt. Ăn uống thì kham khổ, bữa sáng toàn mì tôm và cơm nguội chiên, trưa và tối lại thay nhau bắp cải luộc chấm trứng, rồi su su xào tỏi, trứng chiên, cà tím nướng, bởi chợ nổi quá xa, chỉ có thể mua của những người bán lưu động bằng chiếc vỏ lải trên sông mỗi khi ngang qua nhà. May mà có đứa lo xa, trước khi đi đã chịu khó làm một thẩu ruốc để ăn dần. Cả đến chuyện... tắm giặt cũng khổ, phải xuống sông múc nước vào lu, lắng phèn rồi mới được sử dụng. Rồi đứa nào cũng mòn chân cuốc bộ từ nhà này qua nhà khác trong ấp để sưu tầm ca dao - tục ngữ - dân ca. Giọng bạn cười vang trong điện thoại khi kể cho nhau nghe lại cái cảm giác run bần bật khi lần đầu tiên đi qua chiếc cầu khỉ. Nhìn lũ học trò nhỏ vùng quê dung dăng đi qua chiếc cầu chênh vênh mà đứa nào cũng phục. Nam còn đỡ, đám nữ phải tháo giày đeo vào hai tay, rồi dò dẫm từng bước một trên cây gỗ rung rung. Lại nhớ cả cái đêm đoàn cải lương trên thành phố về diễn ở sân UBND xã, cả nhóm chúng tôi phải xin chú Chủ tịch xã vào nhờ văn phòng để coi... ké; hay những đêm bầu trời đầy sao ở vùng đất nghèo, thả hồn lơ lửng trong tiếng ca mùi mẫn của những người trung niên trong ấp chơi đờn ca tài tử... Rồi thì nhớ mãi khoảnh khắc ngùi ngùi chụp chung tấm ảnh, hay ôm nhau trong ngày tốt nghiệp.
Giờ thì xa nhau cả. Xa nhau, rồi nhận ra nhau qua điện thoại. Lần nào gọi đến cũng bất chợt. Để rồi, lâu lâu bỗng thèm được nghe giọng bạn nói trong điện thoại. Cái giọng nằng nặng của đứa bạn miền Trung; tiếng cười giòn tan, trong veo của cô bạn xứ Hà thành, hay cái giọng líu ríu thân thương của những người bạn sông nước miền Tây. Bạn kể, đám bạn ngày nào giờ cũng nhiều đứa làm báo, phát thanh viên truyền hình, hoặc ở viện nghiên cứu ngôn ngữ; cũng có đứa về quê trở thành cô giáo dạy văn... Chợt mừng khi thấy ai cũng có chốn bình an của mình.
Giờ thì còn lại những kỷ niệm. Bạn bè xa nhau là thế, nhớ đến nhau, điện thoại cho nhau là đủ lắm rồi. Bởi biết bao giờ gặp lại ngày xưa, hay chỉ còn lại cái tình xưa của chúng tôi, tháng theo năm, nhận ra nhau qua những cú điện thoại bất chợt.
B.T