Cái lạnh ở đâu cùng làn khói bếp từ xa cứ ùa về vào mỗi buổi chiều đông, và ký ức tuổi thơ trong tôi cứ thế theo cái lạnh mà trở về, ấm áp, êm đềm. Tôi nhớ đến bà, người bà tần tảo sớm hôm từ thuở nào đã ru tôi lớn lên bên "gia tài" ổ rơm thơm thảo.
Cái lạnh ở đâu cùng làn khói bếp từ xa cứ ùa về vào mỗi buổi chiều đông, và ký ức tuổi thơ trong tôi cứ thế theo cái lạnh mà trở về, ấm áp, êm đềm. Tôi nhớ đến bà, người bà tần tảo sớm hôm từ thuở nào đã ru tôi lớn lên bên “gia tài” ổ rơm thơm thảo.
Ngày ấy, lũ chúng tôi sinh ra ở nông thôn, vùng trung du núi đồi heo hút, lớn lên bên bà, bên cha mẹ, cứ hồn nhiên, khờ dại như hạt lúa, củ khoai. Ngày ấy, tuy bé dại nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được cái đói, cái nghèo cứ lay lắt trong những tháng năm dài. Và chẳng biết từ bao giờ, cái nghèo ấy mang đến và ùa vào chiếc ổ rơm ấm áp của bà tự thuở nào. Bà vẫn thường bảo chúng tôi: “Áo rách phải giữ lấy lề, khéo ăn thì no mà khéo co thì ấm, cháu ạ!”. Nhà lợp lá cọ khô nên cái nghèo còn theo cả những cơn mưa chảy tuột xuống thềm nhà vào mỗi đông giá lạnh. Vào những ngày cuối năm, cái lạnh ùa về cùng những cơn mưa làm cho ai cũng co ro, lũ trẻ chúng tôi tự nhóm bếp lửa để sưởi ấm bên ven đường. Đêm về, cái lạnh càng dữ dội hơn. Chiếc chăn đơn mỏng manh, cũ kỹ không biết bà mua từ bao giờ không sao chống lại cái lạnh. Mấy bà cháu cứ nằm sát vào nhau để cho hơi ấm được lan tỏa, cho đỡ rét hơn. Tuy nhỏ nhưng chúng tôi đã phần nào cảm nhận được bàn tay của bà đang dang rộng để chở che và sưởi ấm cho những đứa cháu thơ dại.
Cái lạnh kéo dài triền miên mấy tháng trời cùng mùa đông u ám, bà cầm liềm ra vườn cắt những tàu lá chuối đã khô còn bám trên thân cây và mang bó rạ cất kỹ từ vụ tháng 10 trên gác bếp xuống. Rạ và lá chuối được bà rũ sạch, mang ra sân phơi hai ba nắng cho khô nỏ. Rồi vào một buổi chiều đông lạnh giá như bao hôm nào, bà mang bó lá chuối và rạ đã khô ra, dùng bốn thanh tre chiều dài, rộng đúng bằng khung của chiếc giường khuôn ổ. Bà dùng tay bện những cụm rạ khô thành từng hàng và kết chúng lại như những chiếc chiếu, ở trên bà phủ lên những cành lá chuối đã khô nhưng còn dai, sau đó dùng nẹp tre kẹp lại thành một khung rạ và lá chuối. Sau một hồi, chúng tôi đã hiểu bà đang tự chế một chiếc “đệm” để chống lại những đêm dài giá lạnh. Bà đặt tấm đệm vào giường rồi trải lên trên chiếc chiếu cói đã cũ sờn. Chúng tôi sướng lắm vì tối đó được nằm ngủ trên tấm đệm lá chuối.
Đêm về, cái lạnh lại vẫn cứ về như bao đêm trước, nó len lỏi vào tận da thịt. Nhưng đêm đầu tiên, nằm trên đệm lá chuối, cảm giác khác hẳn. Chúng tôi thích lắm vì lần đầu được nằm đệm êm như thế. Bà bảo: “Các cháu đang nằm trên cây lá của quê hương mình đấy! Các cháu có nghe thấy mùi vị của nó không?”. Hồn nhiên, chúng tôi yên lặng để ngửi mùi vị của lá chuối, của rạ khô nhưng mãi chẳng thấy âm thanh gì, chỉ thấy mùi vị rất quen, rất đặc trưng của đồng đất quê mình ở đâu lan tỏa và choán ngợp tâm hồn mình. Nằm trên tấm đệm của bà, chúng tôi thấy có mùi thơm lừng lựng, ngai ngái của lá chuối khô. Mùi vị này quen lắm bởi hàng ngày chúng tôi vẫn thấy nó từ chiếc bánh gai mà mẹ mua cho mỗi khi đi chợ về, nó có ở những chiếc kèn lá chuối đã khô. Không chỉ có thế, mùi thơm hương lúa từ rạ khô cũng làm cho chúng tôi thao thức. Hình như mỗi cây rạ khô đang chuyên chở hương vị của đồng ruộng, của bùn đất quê, của nắng, của gió. Những mùi vị này hòa lẫn vào mùi thơm của miếng trầu bà vẫn ăn đêm đêm chập chờn trong giấc ngủ của chúng tôi tự lúc nào không biết.
Những đêm mùa đông dài, dài mãi, làm cho khắp không gian và lòng người lạnh giá. Tiếng mưa rơi lắc rắc trên mái lá cọ làm cho chúng tôi thao thức mỗi đêm. Nằm trên tấm đệm lá chuối, bên bà, ấm áp, cái lạnh như bị xua đi lúc nào không hay. Mỗi khi trời nắng, bà lại mang tấm đệm lá chuối ra phơi cả ngày cho mùi thơm của lá được giữ mãi. Tối đến, ổ rơm của bà như mang nắng vào nhà để cho chiếc giường thêm ấm hơn. Khi lên giường, mấy bà cháu chưa ngủ ngay mà bà đọc cho nghe truyện Phạm Công Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Thạch Sanh, đọc ca dao rồi kể chuyện đồng đất quê mình. Chúng tôi nằm im thin thít nghe bà kể chuyện. Hơi ấm của ổ rơm lan tỏa hòa vào câu chuyện của bà càng làm cho đôi mắt ngây thơ hồn nhiên của chúng tôi thêm sáng hơn và thấy thương bà biết mấy. Những khi gió đông rít lên từng hồi, bà lại vòng tay ôm chúng tôi vào lòng như để sưởi ấm cho những đứa cháu bé bỏng, thơ dại.
Ngày qua ngày, mỗi giấc ngủ của bọn trẻ chúng tôi lại ấm áp, êm đềm bên ổ rơm như thế. Hơi ấm đằm ngọt, bao dung của bà như tỏa ra từ miền cổ tích, chảy vào miền ký ức tuổi thơ quê mùa nhưng rất đỗi ngọt ngào.
Nguyễn Thế Lượng