Tốt nghiệp đại học loại giỏi, cộng vốn ngoại ngữ khá nên anh nhanh chóng có được một vị trí việc làm khá ngon ở một doanh nghiệp nước ngoài. Anh quyết định ở lại thành phố và không về quê nữa. Rồi anh mau chóng lập gia đình và có cuộc sống đủ đầy tiện nghi vì lọt vào mắt xanh của con gái ông Phó Tổng Giám đốc. Quê nhà chỉ còn mẹ già nên lâu lâu anh lại cùng vợ con về thăm.
Tốt nghiệp đại học loại giỏi, cộng vốn ngoại ngữ khá nên anh nhanh chóng có được một vị trí việc làm khá ngon ở một doanh nghiệp nước ngoài. Anh quyết định ở lại thành phố và không về quê nữa. Rồi anh mau chóng lập gia đình và có cuộc sống đủ đầy tiện nghi vì lọt vào mắt xanh của con gái ông Phó Tổng Giám đốc. Quê nhà chỉ còn mẹ già nên lâu lâu anh lại cùng vợ con về thăm.
Mỗi lần về quê là cả một trời mộng mơ của tụi nhóc, vì chúng được thả hồn vào không gian thoáng đãng, mát lành với mây, trời, sông, nước. Chính vì thế, mỗi lần về, anh lại thuyết phục vợ cho lũ trẻ được thỏa thích khám phá, chơi đùa để tạm thời quên đi không gian xô bồ nơi đô thị, với những tòa nhà cao tầng, dòng xe kẹt cứng với đủ loại khói bụi, tiếng ồn. Nay anh dẫn cả nhà đi câu cá trên triền sông, mai đưa sang nhà hàng xóm hái ổi, xoài, cóc; khi lại đi cùng mấy cậu nhóc nhà quê lên núi hái sim mua; bày các trò chơi truyền thống như ô ăn quan, nhảy dây ngay tại sân nhà… Cuộc sống vì thế mà thảnh thơi hơn nhiều.
Một lần, vì bận công chuyện, nên vợ chồng anh gửi lũ trẻ cho bà nội trông. Trước khi đi, anh nhắc vợ gửi tiền cho mẹ và để lại cho mỗi con vài tờ tiền chẵn, vì biết chắc chắn bà sẽ dẫn các cháu đi chợ quê.
Khỏi phải nói, lũ trẻ háo hức đến thế nào khi tới chợ. Nào được thưởng thức các món ngon dân dã, ngắm nhiều món hàng… Khi về, chúng tíu tít khoe, nào là mua được vài món đồ chơi thủ công như cánh diều được làm bằng tre, có con sáo to ở giữa; mấy con tu huýt hình 12 con giáp nặn bằng đất sét… Chúng vừa bày ra, vừa hỏi bà về cách chơi như thế nào. Khỏi phải nói, anh vui lắm, vì như thấy mình được trở lại với ngày xưa, một thuở hoa niên trong trẻo với bao mộng ước…
Xong việc bày trò, mấy đứa rút xấp tiền lẻ trong túi để kiểm lại. Chúng thi nhau chuốt cho thật thẳng thớm, nào năm trăm, một ngàn, hai ngàn… “Em còn dư quá trời, đến hai mươi lăm ngàn”, “Chị thì tiêu gần hết, còn có năm tờ một ngàn, hai tờ năm trăm đồng”… Mẹ và anh đang vui vì chúng cũng khéo biết chi tiêu, bỗng vợ anh từ bếp chạy lên la lớn: “Thôi, bỏ đi, đừng nghịch mấy tờ đó các con. Tiền lẻ dơ lắm!”
Anh thấy mẹ quay mặt đi kèm theo tiếng thở dài; còn lòng mình thì day dứt, sống mũi cay cay. Chị đâu biết rằng, xưa kia, chính những đồng tiền lẻ ấy đã là nguồn sống, nuôi anh lớn, cho anh học hành đủ đầy để có ngày hôm nay, từ những gánh hàng rong tảo tần của mẹ!
L.N.V