Nhà vợ mình có một chút Huế kiểu truyền thống, bởi thế tuy nghèo nhưng nếp nhà có trên có dưới, mẹ nói con nghe, chị nói em dạ, đi thưa về trình, "an ninh trật tự" gia đình vững như bàn thạch.
Nhà vợ mình có một chút Huế kiểu truyền thống, bởi thế tuy nghèo nhưng nếp nhà có trên có dưới, mẹ nói con nghe, chị nói em dạ, đi thưa về trình, “an ninh trật tự” gia đình vững như bàn thạch.
Nhà đến hai đời rưỡi nhưng chỉ có một số địa chỉ nhất nhất tin dùng, đó là: May quần áo thì đến tiệm nghèo cô H. ở đường ra Hộ. Làm tóc, móng tay, móng chân thì đến tiệm nghèo cô Gi ở chợ Phương Sài. Đỡ đẻ thì đến nhà hộ sinh tư nhân cô Ph. sau lưng chân núi Phật. Trị bệnh bốc thuốc thì đến tiệm thuốc nhỏ của thầy S. gần Mả Vòng. Việc liên quan đến tâm linh thì đến mời thầy Th. ở gần chùa Phương Sơn... Đố có nơi nào đủ tin cậy để thay thế các nơi trên.
Thân đến nỗi mỗi lần gia đình có giỗ chạp, tết nhất, ngày vui con cháu trong nhà... vài vị nói trên đôi lúc tự giác đến sớm để xúm tay vào như việc nhà của họ. “Bản nhạc” quen thuộc đó chẳng bao giờ lạc tông, lỗi phách, lỗi nhịp. Bởi có một vị nhạc trưởng hết sức tài ba đó là bà mẹ vợ đáng kính của mình.
Tưởng chừng nếp nhà cứ thế êm đềm đi từ đời này đến đời khác, nhưng rồi một ngày nọ, có một ngọn gió mới ào ào thổi tới, “cái sự quen” của hơn hai đời rưỡi kia đã chung chiêng. Kinh tế đất nước khởi sắc. Mẹ vợ mình đã qua đời. Con cháu lần lượt lớn khôn, lần lượt lấy chồng, lần lượt ra riêng, ai lo nồi nấy…
Bỗng một hôm, đi làm về thấy nhà có khách, hóa ra vợ chồng chị H. chủ tiệm may, ở Mỹ đã hơn chục năm, nay về quê ăn Tết tới thăm. Chị nói với vợ mình: “Mới về hôm qua còn mệt lắm em à, nhưng anh cứ giục chị nhanh nhanh đến thăm các em. Anh chị sang đó cũng sống nhờ vào con cái, hôm nay chẳng có gì nhiều nhặn, ngoài việc sắm ít lễ vật dâng lên bàn thờ thắp nhang cho hai bác, anh chị tặng mỗi nhà một phong sô cô la và một chai dầu gió xanh gọi là quà cho các em mừng...”. Vợ mình xúc động, lén chùi nước mắt, còn mình ngồi chết lặng, không nói nên lời.
Ôi dòng đời cứ ồn ào, mải miết trôi trên con sông thời cuộc, thời đại, chỉ có những hạt phù sa mịn màng, mát rượi là lắng đọng lại với thời gian, với những người đang sống.
. Phùng Nguyên Mỹ