09:11, 17/11/2013

Cô giáo là mẹ hiền

Không như những đứa trẻ khác ngày đầu tiên đến trường với gương mặt sợ sệt, đối với tôi, được đi học là niềm vui sướng không thể tả. Ngồi trên xe, tôi cứ hối thúc mẹ chạy nhanh, rồi trông thời gian qua mau để sớm gặp được các bạn mới, tiếng trống trường và các thầy cô.

Không như những đứa trẻ khác ngày đầu tiên đến trường với gương mặt sợ sệt, đối với tôi, được đi học là niềm vui sướng không thể tả. Ngồi trên xe, tôi cứ hối thúc mẹ chạy nhanh, rồi trông thời gian qua mau để sớm gặp được các bạn mới, tiếng trống trường và các thầy cô. Cũng không có gì ngạc nhiên khi tôi lại vui mừng đến thế, bởi ngay từ 3 tuổi, tôi đã được mẹ đưa đến trường. Mẹ là giáo viên tiểu học ngay chính trường tôi đang học. Những lần bận việc không trông tôi được, mẹ buộc phải dẫn tôi đến lớp. Lúc đó, mẹ sắp xếp cho tôi ngồi vào bàn đầu cùng các anh chị. Tuy không hiểu mẹ giảng những gì nhưng tôi thấy thú vị vô cùng, mong đến ngày đủ tuổi đi học.


Vốn muốn được chính mẹ dạy nên tôi nằng nặc đòi mẹ phải dạy mình, mặc dù mẹ đang dạy lớp 5. Bố dỗ dành: “Ráng học giỏi, lên lớp, rồi con sẽ được mẹ dạy. Phải bước lên từng nấc, con trai ạ!”. Nghe lời mọi người trong nhà, tôi cố gắng học thật chăm. Bù lại cho những tháng ngày vất vả đó là năm nào tôi cũng được lĩnh thưởng trong top 5.

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


4 năm học trôi qua chóng vánh. Ngày vào lớp 5 cũng đã đến, mẹ sắp xếp cho tôi vào lớp do mẹ chủ nhiệm. Thế nhưng, mọi việc không như tôi mong ước. Khi vào lớp, tôi mới biết, mẹ không chiều chuộng tôi như ở nhà. Trong lớp, mẹ nghiêm túc và không thiên vị một ai.


Tôi nhớ có lần mải xem truyện tranh mà quên việc học bài môn Văn. Mẹ nhắc nhở: “Ngày mai mẹ sẽ gọi con lên trả bài đấy, không thuộc là xơi trứng ngỗng!”. Tôi vẫn dửng dưng trước câu nói ấy vì biết mẹ sẽ không làm thế đối với con mình. Nào ngờ, sáng hôm sau, mẹ gọi tôi lên trả bài. Tôi sửng sốt đến đỏ bừng mặt, cầm quyển tập từ từ lên bục giảng, lí nhí bảo: “Thưa cô, em không thuộc bài”. Mẹ thẳng tay cho tôi điểm 0. Cả lớp trố mắt nhìn tôi và tự đặt câu hỏi. Hôm ấy, về đến nhà, tôi giận mẹ, lao vào phòng đóng cửa, không chịu ăn cơm. Mẹ và bà gọi mãi nhưng tôi không trả lời. Lát sau bố về tới, gõ cửa phòng và nhẹ nhàng gọi tôi. Bố cười và khuyên: “Mẹ làm như thế là đúng, con trai ạ! Con phải hiểu cho mẹ, để là một giáo viên gương mẫu, đòi hỏi phải có đạo đức, yêu nghề và không thiên vị bất cứ học sinh nào, ngay cả con của mình. Con không thấy năm nào mẹ cũng nhận được bằng khen của trường đó sao. Cố gắng học tập để mẹ con không còn phải khó xử, và con cũng đánh tan mọi sự nghi ngờ của bè bạn về việc mẹ mình là cô giáo”. Tôi thấm thía lời nói của bố, ngoan ngoãn ra ngoài ăn cơm và không quên xin lỗi mẹ.


Chẳng những mẹ là cô giáo công bằng mà còn có lòng bao dung, thương học sinh. Tôi đã từng cùng mẹ và các bạn đến thăm lớp trưởng ốm, hay mẹ vận động cả lớp quyên góp tiền ủng hộ học sinh nghèo... Mỗi chủ nhật, mẹ dành 2 giờ để dạy phụ đạo cho học sinh những kiến thức khó, chưa hiểu. Suốt năm học lớp 5, tôi mới thấu hiểu tình cảm của mẹ dành cho học trò mình. Những việc làm ý nghĩa đó đã nhân đôi tình yêu thương của tôi dành cho mẹ nhiều hơn và cố gắng học thật tốt.


Giờ đây, sau bao nhiêu năm ngồi trên ghế nhà trường, được trau dồi rất nhiều kiến thức từ các thầy cô giáo nhưng ấn tượng về mẹ làm tôi không thể nào quên được. Hàng năm, cứ đến ngày 20-11 là tôi tặng cho mẹ một món quà thật ý nghĩa thay cho lòng tri ân của tôi đối với người. Tất cả những món quà do học sinh gửi tặng, đặc biệt là của tôi, mẹ đều cất giữ cẩn thận, lâu lâu lấy ra ngắm nghía rồi cười mãn nguyện.


Đ.T.T