1. Mẹ tôi, một phụ nữ tuổi đã ngoài 60 nhưng lại là “tín đồ” của phim Việt. Lạ một chỗ là chuyển kênh nào, thấy phim Việt, bà đều dừng lại, bất kể đó là phim trong Nam hay ngoài Bắc, đến tập bao nhiêu, thậm chí không cần biết tên phim; đến đoạn quảng cáo của phim này lại bấm remote liên tục như chớp thời gian để xem được một đoạn của phim khác; ....
1. Mẹ tôi, một phụ nữ tuổi đã ngoài 60 nhưng lại là “tín đồ” của phim Việt. Lạ một chỗ là chuyển kênh nào, thấy phim Việt, bà đều dừng lại, bất kể đó là phim trong Nam hay ngoài Bắc, đến tập bao nhiêu, thậm chí không cần biết tên phim; đến đoạn quảng cáo của phim này lại bấm remote liên tục như chớp thời gian để xem được một đoạn của phim khác; xem xong còn bàn ra luận vào. Người già luống tuổi, xem tối nay, tối sau chẳng biết phim đó chiếu ở kênh nào để theo dõi tập tiếp theo. Kết cục, rất ít phim bà xem cho trọn vẹn. Hóa ra, cũng tại vì nhiều kênh quá, mà kênh nào cũng chiếu phim Việt, mỗi kênh lại chiếu nhiều phim trong tuần, đầu tuần phim này, giữa tuần phim khác, chưa kể cuối tuần!
2. Cũng vì thói quen ấy mà tôi - dù muốn hay không cũng phải xem phim cùng. Để rồi thấy rằng, chưa bao giờ, khán giả được dịp “bội thực” với món ăn phim Việt trên truyền hình như bây giờ. Từ khung giờ vàng 20 giờ trở đi, sơ sơ có thể kể đến chục bộ phim trên những kênh quen thuộc: HTV7 có Bão mùa hè, Nghiệt oan (20 giờ); HTV9 có Ranh giới mong manh (22 giờ 30); VTV3 có Váy hồng tầng 24, Bản di chúc bí ẩn, VTV1 có Trò đời, giấc mơ hạnh phúc; VTC9 có Cho yêu thương quay về; KTV có Cù lao lúa... Chưa kể các đài địa phương, hệ thống VTC, SCTV, VTCV, Today tivi với một loạt phim vừa mới vừa theo kiểu chiếu xoay vòng từ nhà đài này sang nhà đài khác: Sông dài, Số phận bị đánh cắp, Sắc màu hạnh phúc, Bờ bến lạ, Romeo và Juliet Việt Nam, Mặt nạ da người, Bí mật Eva… Phim loạn như thế thì chẳng phải người già, đến người trẻ cũng không đủ bộ nhớ để mà nhớ. Nhiều lựa chọn thật đấy, nhưng đôi khi xem chỉ để vui mắt, không tập trung bởi vấn đề chính là chất lượng nhiều phim chưa đủ để kéo khán giả ngồi lâu trước màn hình và không chuyển sang kênh khác. Thử xem tập đầu Váy hồng tầng 24, đứa em gái đã lắc đầu chê nhảm, diễn xuất vô duyên, lời thoại rỗng tuếch, chỉ được cái mã diễn viên xúng xính trong những trang phục đẹp; trước nữa, xem Bí mật tam giác vàng thì giễu phim gì xem cả tập mà vẫn dùng dằng chưa thêm thắt được tình tiết mới nào...
Còn nhớ, trước kia chưa có cáp, kỹ thuật số hay các dịch vụ truyền hình trả tiền khác, số lượng phim sản xuất cũng có hạn, muốn xem phim Việt hay, khán giả lại phải trông đợi đến mỗi chiều Thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần để xem chương trình Điện ảnh chiều Thứ bảy, Văn nghệ Chủ nhật trên VTV3, hay Tạp chí Văn nghệ vào sáng Chủ nhật trên HTV7, với những bộ phim lẻ, hoặc có dài cũng chỉ vài tập. Nhớ ngày háo hức chờ đợi phim Xin hãy tin em; hay tò mò theo dõi không bỏ sót tập nào phim Cảnh sát hình sự bản đầu tiên. Cơn sốt phim còn khiến nhà đài tổ chức hẳn một buổi gặp gỡ, giao lưu giữa các diễn viên trong phim Cảnh sát hình sự với khán giả; người xem thì thuộc làu làu bài hát trong phim do nhạc sĩ Vũ Thảo sáng tác, mà sau đó bài hát này cũng đóng đô cho một số phần tiếp theo... Giờ thì ào ạt ra phim, ào ạt đặt hàng nhưng cứ nhàn nhạt như nhau. Sản xuất hàng loạt như thế, chất lượng không cao là tất yếu. Người ta bảo chán phim Việt cũng là phải!
3. Xem nhiều quá lại hóa ra như xem những mảnh lắp ghép của phim Việt, chắt lọc tìm kiếm chút hay của phim này, chút hay của phim khác. Và cũng lắm lúc nhận ra, phim Việt có lúc còn hay hơn khối phim Thái, Philippines, thậm chí cả Hàn Quốc mà một số đài công chiếu thời gian qua. Đó là khi nhẫn nại ngồi xem Gió nghịch mùa đến lần thứ mấy, hay gật đầu khen vai Trí Cùa của nam diễn viên Bình Minh trong Vật chứng mong manh đóng thật hơn...
Vẫn biết chê nhiều hơn khen, nhưng cũng như cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng hàng Việt Nam”, người Việt thì cũng nên xem phim Việt vậy. Vì lẽ đó, tôi lại sẽ lại “ăn theo” mẹ những bộ phim Việt vào mỗi buổi tối.
B.T